Ngân hàng ký ức của trẻ em

Ngân hàng ký ức của trẻ em

Từ những vật liệu tái chế, Think Playgrounds đang giành lại quyền vui chơi cho trẻ em thành thị.

Khác những sân chơi trong thành phố trên nền bê-tông với những thiết bị đúc sẵn sáng bóng được sản xuất hàng loạt, sân chơi mới của phường 15, quận Gò Vấp tràn ngập những vật liệu tái chế được đặt trên nền đất. Đây là chiếc bập bênh bốn cạnh cho phép hàng chục trẻ con chơi cùng một lúc, được tạo thành từ những chiếc lốp cũ, dây thừng và những thanh gỗ mộc. Kia là những chiếc xích đu được làm từ những cây gỗ nhỏ được sơn phết sặc sỡ, những mảnh ván và dây thừng… Đó là sân chơi “Nam tiến” đầu tiên của Think Playgrounds (TPG – Nghĩ về sân chơi trong phố), doanh nghiệp xã hội của những bạn trẻ muốn giành lại quyền được chơi của trẻ em phố thị.

Từ sân chơi trong phố

Mối duyên với sân chơi trẻ em của Nguyễn Tiêu Quốc Đạt và Chu Kim Đức, những người đồng sáng lập TPG, bắt nguồn từ vị khách du lịch Mỹ hơn 70 tuổi tên Judith Hansen gặp gỡ 6 năm trước ở Hà Nội. Khi được bà Judith đề nghị dẫn đi xem sân chơi của trẻ con Thủ đô, họ mới nhận ra rằng không có một sân chơi đúng nghĩa như thế. Từ số tiền bà Judith tài trợ, Đạt, Đức cùng những người bạn đã xây dựng sân chơi đầu tiên ở bãi giữa sông Hồng, “nơi đất đai không bị tranh chấp quá mức và trẻ con chẳng có gì chơi”. Thành công ngoài mong đợi của sân chơi này đã đưa họ đến danh sách dài hơn 100 sân chơi và không gian công cộng TPG sẽ xây dựng sau đó cho cộng đồng. 

Ngân hàng ký ức của trẻ em
 
Thế nhưng, sân chơi ở giữa sông Hồng không phải là dự định đầu tiên của họ. Bà Judith đã định sẽ tặng một sân chơi trong trung tâm Hà Nội, nhưng bị chính quyền từ chối vì nhiều lý do. Cầu trượt con rùa, thiết kế làm cho sân chơi này dựa trên ý tưởng về cụ rùa Hồ Gươm của bà Judith, nay trở thành logo của TPG. 

Thất bại đầu tiên đã khiến TPG nhận ra cộng đồng có ý nghĩa như thế nào trong việc thiết lập và duy trì một sân chơi. Họ luôn lấy ý kiến của cộng đồng, người sở hữu thực sự những sân chơi, về việc thiết kế những sân chơi cho chính con cháu của họ. “Có những cộng đồng mạnh, như tại bãi giữa sông Hồng, tuy nghèo nhưng họ giúp sân chơi duy trì sau nhiều năm, chỉ cần thay thế vật liệu hỏng”, Đạt nói, “nhưng cũng có những sân chơi biến mất trong thời gian ngắn ở những cộng đồng thiếu gắn kết”. 

Ngân hàng ký ức của trẻ em

TPG làm sân chơi không chỉ để trẻ con chơi, mà còn là chốn để gắn kết tình làng nghĩa xóm. Những sân chơi được tặng đến các cộng đồng, vì vậy mà không thể không kể đến những nguồn tài trợ. Bên cạnh những khoản tài trợ từ các cơ quan ngoại giao các nước, thì doanh nghiệp đóng vai trò lớn trong việc đưa không gian chơi đến với trẻ em. Nếu như Ford giúp TPG xây dựng sân chơi và ngày hội Play Day năm ngoái, Ecopark giúp họ chạm đến giấc mơ sân chơi phiêu lưu đầu tiên tại Việt Nam, thì năm nay, BASF giúp họ đặt những dấu chân đầu tiên lên thành phố Sài Gòn sôi động nhiều cộng đồng nhập cư và tiếp thêm sinh lực cho những công dân khiếm khuyết. “Sức khỏe của trẻ có thể được nâng cao thông qua các hoạt động thể chất và tương tác xã hội”, Tổng Giám đốc BASF Việt Nam, ông Tanachart Ralsiripong, nói về việc tài trợ 4 sân chơi cho các dự án của TPG. 

Đến sân chơi phiêu lưu

“Nếu không làm TPG thì tôi sẽ làm công nhân chơi (playworker) cho sân chơi phiêu lưu”, Đạt rộn rã lên khi nói về công việc chuyên môn tại mô hình sân chơi mà họ đang hướng đến. Sau thành công của sân chơi phiêu lưu (adventure playground) đầu tiên họ xây dựng được tại khu đô thị Ecopark, TPG đưa mô hình này vào bản kế hoạch sắp tới.

Ngân hàng ký ức của trẻ em

Nghịch bùn, đốt lửa, trèo lên nóc nhà là một số hoạt động tưởng chừng không an toàn và vượt ngoài khuôn khổ mà trẻ em được chơi tại sân chơi phiêu lưu. “Tại sân chơi không có luật chơi, không thu phí này, trẻ em được trải nghiệm và được phép thất bại”, Đạt hào hứng nói. Đây là sân chơi được thiết kế trên nền đất trong không gian gần gũi với thiên nhiên, nơi trẻ con được tự do chơi với bất cứ vật liệu tái chế nào chúng thích, sáng tạo bất cứ vật dụng hay trò chơi nào, nơi người lớn không được can thiệp và chỉ có những người lớn – công nhân chơi ở đó trông chừng và đôi khi hướng dẫn cho chúng.

Xuất hiện phổ biến từ sau Thế chiến thứ nhất, có khoảng 1.000 sân chơi phiêu lưu tại châu Âu, chủ yếu ở Anh, Đan Mạch, Pháp, Đức. Nhật cũng có số lượng sân chơi phiêu lưu đáng kể với gần 400 sân chơi trong 4 thập niên qua. Laday Allen – người đã du nhập ý tưởng sân chơi này vào Anh và ủng hộ việc trẻ em được cho không gian để trải nghiệm rủi ro hơn là chơi trong một khu được thiết kế an toàn – có câu nói nổi tiếng: “Thà gãy xương còn hơn có một tinh thần suy sụp.” Hướng đến cùng giá trị, Đạt mong muốn những sân chơi sẽ giúp trẻ con xây dựng “ngân hàng ký ức”, nơi những thất bại sẽ giúp chúng cứng cáp hơn khi vào đời. 
Không dừng lại tại đó, TPG còn hướng đến xây dựng sân chơi hòa nhập cho người khuyết tật trong thời gian tới. Và kế hoạch cuối cùng, nhưng không kém quan trọng đối với doanh nghiệp xã hội như TPG, là tồn tại.

                                           Thanh Hằng / Nhịp Cầu Đầu Tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.