Thời gian gần đây, giới kinh doanh bất động sản phía đông Hà Nội liên tiếp quảng bá việc Gia Lâm lên quận vào năm 2020, đồng thời cầu Trần Hưng Đạo nối liền 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên cũng sắp được Hà Nội triển khai xây dựng trong quý 3/ 2019 để đón đầu sự kiện này.
Đáng chú ý, trong trong tấm bản đồ quy hoạch phân khu đô thị N10 (đã được thành phố Hà Nội phê duyệt), sự xuất hiện của cây cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến quy hoạch) được ghi khá rõ.
Cụ thể, phân khu đô thị N10 nằm trong địa giới hành chính các phường: Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề ,Gia Thụy, Thượng Thanh, Đức Giang, Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Phúc Đồng, Cự Khối, Sài Đồng, Thạch Bàn, Phúc Lợi – quận Long Biên; xã Cổ Bi, Đông Dư – huyện Gia Lâm – thành phố Hà Nội.
Theo đó, cầu Trần Hưng Đạo sẽ được xây dựng nối liền phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), tới đường Cổ Linh (quận Long Biên). Tuy nhiên, thông tin này không mới, nhưng việc Hà Nội xây cầu Trần Hưng Đạo hay xây dựng hầm chui qua sông Hồng vẫn còn là một… ẩn số.
Mặc dù cầu hay hầm Trần Hưng Đạo được triển khai xây dựng sẽ góp phần giảm tải đáng kể lưu lượng giao thông giữa 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên, vốn trước đây chỉ có 2 cây cầu chính đảm nhiệm là cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy.
Tuy nhiên, nguồn ngân sách xây dựng, thời gian khởi công, dự kiến hoàn thành và phương án thi công thiết kế đến nay vẫn chưa có bất cứ cơ quan nào (UBND, Sở GTVT, Sở Xây dựng hay Sở KH&ĐT) lên tiếng cụ thể.
Trong khi đó, giới bất động sản thì khẳng định “như đinh đóng cột”, do việc xây hầm tốn kém nên Hà Nội đã chọn phương án xây cầu Trần Hưng Đạo. Cùng với việc tung tin sắp khởi công xây cầu, các bản vẽ “mô phỏng” cây cầu này cũng được tung ra để tạo niềm tin cho giới đầu tư bất động sản.
Trước đó, thông tin xây cầu (hầm chui) Trần Hưng Đạo qua sông Hồng cũng đã từng được Công ty CP Him Lam lập Hồ sơ đề xuất nói tới. Dự án có chiều dài 3,1km, tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng, hình thức BT, thời gian dự kiến thực hiện 2016-2021.
Chưa rõ khi nào cầu Trần Hưng Đạo mới được khởi công, nhưng thị trường bất động sản và các dự chung cư tại quận Long Biên (như HC Golden City, TSG Lotus Sài Đồng hay One 18) và đặc biệt là tại huyện Gia Lâm với siêu dự án Vincity Ocean Park đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
*Chúng ta cùng ngắm cây cầu Trần Hưng Đạo trong tương lai dưới “con mắt” của dân môi giới bất động sản giới thiệu.
4 cây cầu bắc qua sông Hồng (cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo) và sông Đuống (Cầu Đuống 2, cầu Giang Biên) đã được quy hoạch.
Tấm bản đồ quy hoạch phân khu đô thị N10 .
Cây cầu Trần Hưng Đạo mô phỏng được dân bất động sản giới thiệu.
Cây cầu Trần Hưng Đạo lung linh về đêm với thiết kế khá bắt mắt.
Tuy nhiên, nhiều KTS đã vào chỉ ra bất họp lý của thiết kế này khi thấy tĩnh không thông thuyền của cầu…. quá thấp.
Mặc dù cây cầu có thiết kế khá “bắt mắt”, tuy nhiên chưa rõ phương án này có được Hà Nội chọn hay không?
Dầm cầu, thành cầu và trụ đỡ có sự cách điệu khá mới mẻ.
Khi hoàn thành, cầu Trần Hưng Đạo và nút giao Cổ Linh được mở hoàn chỉnh, thời gian đi từ Vincity Ocean Park sang Bờ Hồ chỉ còn 15 phút.