Doanh nghiệp bất động sản chật vật tuyển môi giới

Doanh nghiệp bất động sản chật vật tuyển môi giới

Tuyển dụng nhân sự trở thành vấn đề đau đầu với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế phục hồi hậu Covid-19. Tuyển dụng nhân viên kinh doanh một số nghề như bất động sản lại càng khó hơn.

Khó tuyển dụng, khát nhân sự

Trong hội nhóm, diễn đàn tuyển dụng, nhiều bạn trẻ mới ra trường đi tìm việc thường hay có câu “đông y, bảo hiểm, bất động sản né ra giúp em” với lý do sợ bị lừa đảo, áp lực, ngại doanh số, không có lương…

Nhiều nhà tuyển dụng cũng than thở việc khó khăn trong việc tuyển nhân sự kinh doanh, môi giới. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế phục hồi hậu Covid-19 hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của nhiều sàn, doanh nghiệp rất lớn, song để đáp ứng thì không có nhiều, thậm chí có nơi tuyển liên tục, vì nhân sự thiếu lại không “trụ” được lâu.

doanh nghiep bat dong san chat vat tuyen moi gioi
Sau thời gian tăng giá mạnh, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Điều này khiến không ít người phải bỏ nghề, trong khi việc tuyển mới thì còn nhiều khó khăn (Ảnh: Hà Phong).

Nguyệt Anh (24 tuổi) từng là một môi giới bất động mảng thổ cư. Cô chia sẻ, trong 2 tháng thử việc được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng để chạy quảng cáo, đến hết thời gian thử việc thì không được hỗ trợ nữa.

“Mới ra trường, không có kinh nghiệm, không chốt được khách, công ty không hỗ trợ lương, tôi phải xin thêm tiền của gia đình để chạy quảng cáo. Môi giới bất động sản là công việc yêu cầu kỹ năng cao, không đơn giản như tôi hay nhiều người trước đây nghĩ”, Nguyệt Anh giãi bày và cho rằng nhiều người trẻ từ chối làm bất động sản “không có gì khó hiểu cả”.

Văn Thủy làm môi giới bất động sản gần 3 năm. Mặc dù thu nhập ở mức tốt song Thủy khẳng định “nếu ai nghĩ môi trường bất động sản dễ kiếm tiền thì sai lầm”. Đầu vào ngành này, theo Thủy, không hề khắt khe, nhưng quá trình làm việc thì đào thải rất mạnh. “Ai theo được nghề thì thu nhập khá lắm, thậm chí còn giàu. Ngược lại sẽ bị đào thải rất nhanh. Đó là lý do nhiều bạn nghe tới bất động sản thì “chạy mất dép”, Thủy nói.

Thủy cũng cho rằng, không riêng gì bất động sản, ngành nào hoa hồng, chiết khấu cao thì công việc càng khó, càng áp lực. Bởi nếu dễ thì cả xã hội lao vào làm. “Ai làm tuyển dụng ngành này sẽ thấy “khát” nhân sự như thế nào. Nhan nhản các công ty bất động sản đua nhau tuyển dụng nên tuyển khó là dễ hiểu”, Thủy nói.

Chuyên gia Phan Công Chánh cũng cho rằng, nghề môi giới bất động sản là nghề có vòng đời ngắn, tỷ lệ thải loại cao. 80% nhân sự môi giới sẽ chọn một công ty khác chỉ sau một năm làm việc. Theo chuyên gia, nghề môi giới bên ngoài khiến nhiều người nghĩ rất dễ dàng nhưng thực tế lại vô cùng khắc nghiệt. Không ít người vỡ mộng khi đi vào thực tế.

Đối mặt thêm nhiều khó khăn

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến năm 2020, cả nước có hơn 1.600 sàn giao dịch bất động sản hoạt động. Đến giữa năm nay có khoảng 90% số sàn giao dịch đã trở lại hoạt động sau một thời gian đóng cửa, tạm dừng vì Covid-19, đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập, hoạt động.

Tuy nhiên, theo khảo sát, dù đã mở cửa hoạt động trở lại, nhưng kế hoạch tăng tốc hậu đại dịch của nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó do cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng môi giới.

Một số người chọn cách về quê để vừa giảm tải cảnh vật giá leo thang, trong khi thu nhập không đảm bảo. Một số bám trụ lại các thành phố lớn, nhưng chuyển sang những công việc khác khi thị trường ảm đạm, trầm lắng, thanh khoản kém.

Sau thời gian tăng giá mạnh, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Trong 2 tháng qua, thị trường lộ rõ sự hạ nhiệt và càng ngày càng rõ ràng hơn, khiến không ít người phải bỏ nghề, trong khi việc tuyển mới còn nhiều khó khăn.

Thị trường càng ảm đạm, yêu cầu về việc tuyển dụng những môi giới “thạo nghề” lại càng cao, song số nhân lực này vốn đã ít ỏi lại thường chọn làm tự do thay vì trong khuôn khổ một doanh nghiệp. Đặc biệt ở những thời kỳ sốt đất, lực lượng môi giới tự do rất đông đảo.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trên thực tế, ngoài các nhà môi giới được đào tạo, cấp chứng chỉ, hoạt động độc lập hoặc hoạt động theo tổ chức (doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản) thì còn một lượng lớn cá nhân làm trung gian mua, bán bất động sản tự do, mà thường được gọi là “cò đất”.

Không chỉ cạnh tranh mạnh mẽ trong mảng môi giới, nhiều sàn còn lo cạnh tranh việc thu hút nhân sự với các chủ đầu tư. Bởi không ít trường hợp các chủ đầu tư bất động sản tự “nuôi” mảng môi giới, tuyển dụng ồ ạt. Cuộc đua tuyển dụng ngành bất động sản ngày càng khốc liệt.

Thu hút, giữ chân người lao động thế nào?

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Thành Dũng – Chủ tịch Công ty Bất động sản Thiên Khôi – cho biết, tuyển dụng khó hay dễ tùy thuộc vào cơ hội mà doanh nghiệp đem lại cho người lao động. Cơ hội ở đây bao gồm về giá trị công việc, thu nhập và nhiều yếu tố hỗ trợ khác.

So với giai đoạn trước, theo ông Dũng, hiện nay thị trường tuyển dụng nhìn chung khó khăn hơn nhưng công ty ông vẫn duy trì bình thường. “Như tôi nói, khó khăn hay không tùy từng doanh nghiệp, nếu trao cho người lao động cơ hội tốt thì người ta vẫn vào. Ngoài ra, cũng tùy từng phân khúc nữa”, ông Dũng cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản dự án hiện nay khó khăn hơn so với phân khúc thổ cư.

Theo vị này, thị trường chững lại, mảng bất động sản dự án, vùng ven khó khăn, khó thanh khoản. Khi thị trường gặp khó, không bán được thì sẽ tác động ngược lại môi giới, khiến họ khó khăn và từ bỏ nhiều hơn. Đứng trước khó khăn khi thị trường hạ nhiệt, thanh khoản chậm lại, ông Dũng cho biết, những môi giới mới vào nghề dễ dịch chuyển, nhảy việc, còn những người cũ, gắn bó với nghề thì thường vẫn có xu hướng duy trì.

Chia sẻ về giải pháp để thu hút, giữ chân người lao động, ông Dũng nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất vẫn là vấn đề cơ hội thu nhập và sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng phân hóa khá rõ rệt, đó là nhân sự những doanh nghiệp có chế độ thu nhập tốt, có sự hỗ trợ tốt thì nhân sự ổn định, không khó khăn nhiều trong việc tuyển dụng, còn ngược lại, doanh nghiệp sẽ khó khăn.

“Bán hàng có khó hay dễ thì thứ nhất là yếu tố thị trường, thứ hai doanh nghiệp đó có nguồn hàng hay không, hàng có thanh khoản tốt không. Nếu thanh khoản không tốt thì khó bán, lại không nhận được sự hỗ trợ từ hệ thống, doanh nghiệp thì sao môi giới trụ được? Họ phải tìm cơ hội tốt hơn thôi”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại nhấn mạnh sự đề cao vai trò của môi giới để tăng sức hút hơn với ngành này. Theo lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản, lực lượng hành nghề môi giới bất động sản hiện có khoảng 300.000 người tham gia. Mỗi năm lực lượng này kết nối cung cầu thành công, hàng năm lên tới trăm ngàn sản phẩm bất động sản, với giá trị sản lượng ước đạt khoảng nửa triệu tỷ đồng.

Ngày nay, rất hiếm dự án bất động sản chào bán trên thị trường mà không phải do các đơn vị phân phối, sàn giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hội Môi giới, nhiều khách hàng, người tiêu dùng chưa thật sự coi trọng, tôn trọng môi giới bất động sản.

“Chỉ coi họ là người có thông tin, giới thiệu và chỉ trỏ. Rất ít khách hàng có khái niệm môi giới bất động sản là người được giao làm đại diện ủy thác của họ. Để thực hiện tác nghiệp tìm kiếm sản phẩm bất động sản phù hợp, đánh giá, định giá pháp lý, chất lượng, giá trị thương thảo và hoàn tất mọi thủ tục giao dịch đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho mình”, lãnh đạo Hội môi giới chia sẻ.

Mặc dù việc đăng thông báo tuyển dụng nhân sự với nhiều đãi ngộ hấp dẫn được nhiều sàn giao dịch, công ty bất động sản liên tục thực hiện trong thời gian gần đây, nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể tuyển dụng đủ số lượng nhân viên về công ty mình. Việc nâng cao vị thế và làm “đẹp” hơn hình ảnh môi giới cũng là một giải pháp được một số chuyên gia nhắc tới để đảm bảo thị trường lao động lĩnh vực này hấp dẫn hơn.

Quảng Bình: Dự án đã cấp phép thì không dễ thu hồi?

Quảng Bình: Dự án đã cấp phép thì không dễ thu hồi?

(Xây dựng) – Các dự án đã bị tỉnh Quảng Bình thu hồi phần lớn là mới đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa có doanh nghiệp đầu tư. Còn những dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư không dễ thu hồi, bởi không ít doanh nghiệp tìm cách lách luật để cố tình kéo dài dự án…

quang binh du an da cap phep thi khong de thu hoi
Người dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch bất bình với việc quy hoạch dự án treo nhiều năm, khiến cuộc sống ảnh hưởng.

Người dân chật vật vì các dự án “treo”

Người dân ở những địa phương trong tỉnh có dự án “treo” 5 – 10 năm cho rằng chủ đầu tư sau khi được UBND tỉnh giới thiệu địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư thì để đó chờ thời. Trong đó, có doanh nghiệp làm xong một số hồ sơ thủ tục của dự án rồi để đó, tìm doanh nghiệp khác có nhu cầu để bán lại với giá cao hơn thông qua hình thức góp vốn, bán cổ phần công ty, chuyển nhượng dự án.

Tại phường Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) khu đất thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty Cổ phần Tập đoàn Linh Thành (trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh) với diện tích 2.034m2 hơn 9 năm qua vẫn chưa hình thành.

Ông Lê Cương, phường Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) cho hay: Dự án này được tỉnh cấp phép, cho thuê đất vào năm 2010, tổng mức đầu tư ban đầu là 78 tỷ đồng. Sau thời gian dài không động đến, năm 2019 dự án này mới triển khai san gạt, lập hàng rào tôn vây kín. Vị trí khu đất này rất thuận tiện vì nằm cạnh Kho bạc Nhà nước tỉnh và Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh, ngay sát Tỉnh ủy nếu nhà đầu tư không làm đúng cam kết, tỉnh nên thu hồi để làm việc khác khả thi hơn.

Qua nắm bắt từ chính quyền phường Đồng Phú được biết, dự án này đã chậm triển khai hơn 10 năm, lý do được đưa ra là do công ty đang thu xếp nguồn vốn và điều chỉnh tiến độ thực hiện. Tại công trường, dự án mới san nền, ép cọc móng và lắp trạm biến áp.

Các doanh nghiệp mua lại dự án nhiều khi cũng không có ý định thực hiện dự án mà tiếp tục tìm nhà đầu tư khác bán lại toàn bộ hoặc một phần dự án để thu lợi nhuận. Cứ như vậy, dự án qua tay nhiều doanh nghiệp nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ” và các hộ dân có đất nằm trong dự án là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất. Vì đất vướng vào quy hoạch không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng, muốn chia tách cho con hoặc sang nhượng cũng khó khăn. Do bị quy hoạch dự án, người dân không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Huân, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 2.000m2 đất bị quy hoạch làm khu du lịch và nhà ở sinh thái Sun Spa – Đảo Yến, nhưng hơn 6 năm rồi chưa thực hiện khiến kinh tế gia đình rất khó khăn. Tôi định cắt một phần đất để bán lấy tiền làm ăn, cho con trai đi xuất khẩu lao động, song xã, huyện đều nói đất đang quy hoạch dự án không thể tách thửa, ngân hàng không cho vay. Bài toán sinh kế bị ảnh hưởng”.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Quân cho biết: UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư rà soát lại tất cả 173 dự án chậm triển khai tại các huyện, thành phố xem nguyên nhân từ đâu. Sau đó, Sở báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp giải quyết vì dự án kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện, Sở Kế hoạch Đầu tư đã thành lập đoàn kiểm tra có cả các sở, ngành, địa phương cùng tham gia để xem lại tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Nhiều dự án khó thu hồi

Theo quy định của Luật Đất đai, dự án cấp phép 2 năm không triển khai sẽ gia hạn thêm 2 năm nữa và sau khoảng thời gian trên, nếu chưa thực hiện sẽ bị thu hồi dự án. Tuy nhiên, đây là những dự án đã có sẵn đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện. Còn những dự án khác trên địa bàn Quảng Bình phần lớn đều phải thu hồi đất của người dân, quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng có khi kéo dài 5-8 năm chưa xong. Chủ đầu tư có thể “vin” vào lý do chưa có đất sạch để xây dựng dự án nên tỉnh khó thu hồi. Và cũng từ lý do này, nhiều doanh nghiệp “thủng thẳng” xin chủ trương đầu tư dự án để “chờ thời” thay vì quyết liệt thực hiện.

Bên cạnh đó, có những dự án mà trong quá trình triển khai nhà đầu tư xin điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, hoặc giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng còn “lệch pha” nhau, buộc phải điều chỉnh quy hoạch. Việc chờ đợi điều chỉnh quy hoạch trên cũng mất khá nhiều thời gian nếu các sở, ngành, doanh nghiệp không rốt ráo nhập cuộc.

Trước đây, cũng có những doanh nghiệp khi được cấp phép đầu tư tại Quảng Bình nhưng năng lực về tài chính không đủ nên đã tìm cách kéo dài dự án để kêu gọi những doanh nghiệp khác góp vốn cùng đầu tư. Ngoài ra, có doanh nghiệp sau khi được cấp phép đầu tư đã bán lại dự án cho những doanh nghiệp khác. Quá trình rà soát các thủ tục, quy trình chuyển nhượng dự án cũng mất nhiều thời gian, góp phần làm cho dự án kéo dài thêm.

quang binh du an da cap phep thi khong de thu hoi
Dự án Khu du lịch Thanh Hà – Đá Nhảy sau 7 năm hoang sơ, bất ngờ tăng vốn lên 2.023 tỷ đồng để tái khởi động.

Đơn cử như dự án Khu du lịch Thanh Hà – Đá Nhảy, sau hơn 7 năm chậm tiến độ, cuối năm 2021, Công ty Cổ phần Việt Thiên Bình – chủ đầu tư dự án, đã đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Bình điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án từ 230 tỷ đồng lên 2.023 tỷ đồng, và điều chỉnh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác đến quý 1/2025.

Động thái này của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Cổ phần Việt Thiên Bình (trụ sở tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) với Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Việt Phong (trụ sở tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Dư luận và cử tri đang trông mong việc bất ngờ tăng vốn của nhà đầu tư sẽ “thay máu” cho cả dự án khu du lịch, chứ không phải là một hành động tiếp tục “câu giờ”!

Gỡ vướng về thủ tục chấp thuận cho tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án

Gỡ vướng về thủ tục chấp thuận cho tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án

(Xây dựng) – Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiến nghị xem xét sớm tháo gỡ “vướng mắc” về thủ tục chấp thuận cho tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP).

go vuong ve thu tuc chap thuan cho to chuc kinh te nhan chuyen nhuong dat nong nghiep de thuc hien du an
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Tại văn bản Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, tại Mẫu số 1 theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 148/2020/NĐ-CP hướng dẫn tổ chức kinh tế có “Văn bản đề nghị chấp thuận việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp”, trong Văn bản ghi rõ tên của “Tổ chức đề nghị thực hiện dự án”. Hiệp hội nhận thấy, trong Nghị định số 148/2020/NĐ-CP quy định đối tượng là “tổ chức kinh tế” đề xuất nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp chứ không quy định là “người sử dụng đất” như Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT đã quy định.

Theo HoREA, quy định thông thoáng của khoản 3 Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP) đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện được chủ yếu là do Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện chưa đồng bộ, chưa thống nhất.

Cụ thể, Hiệp hội nhận thấy, khoản 7 Điều 46 Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT sử dụng chữ “người sử dụng đất” là không chuẩn xác, không phù hợp với khoản 3 Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP) sử dụng chữ “tổ chức kinh tế”, hoặc “Mẫu số 1” Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 148/2020/NĐ-CP sử dụng chữ “tổ chức đề nghị thực hiện dự án” và việc xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Để khắc phục “vướng mắc” trên, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa một chữ, thay thế “người sử dụng đất” bằng “tổ chức kinh tế” tại khoản 7 Điều 46 Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với khoản 3 Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, HoREA nhận thấy, Nghị định 148/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 08/02/2021) được ban hành sau khi đã có Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực ngày 01/01/2021) đã đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, nên Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT cần phải đảm bảo sự phù hợp với Nghị định 148/2020/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2020. Nhưng trên thực tế, việc thực hiện khoản 3 Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP) đang bị “vướng mắc, ách tắc” do việc hướng dẫn thực hiện tại khoản 7 Điều 46 Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT chưa thống nhất, chưa đồng bộ.

Cụ thể, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP) chỉ quy định: “3. Trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp thì phải có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường…” và không quy định diện tích đất này phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Nhưng, khoản 7 Điều 46 Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT về “xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện” lại quy định: “7. Xác định diện tích đất cần phải chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện việc nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong năm kế hoạch trên cơ sở xem xét đơn đề nghị của người sử dụng đất”, có nghĩa là diện tích đất này phải đăng ký trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

Hiệp hội nhận thấy, tại thời điểm “tổ chức kinh tế” xin nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chưa có quỹ đất, chưa có dự án nên cũng chưa được “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, chưa được công nhận chủ đầu tư, nên không thể thực hiện được thủ tục “chuyển mục đích sử dụng đất” nên cũng không thể thực hiện được thủ tục “đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện”.

Văn bản số 2997/STNMT-QLĐ ngày 20/04/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường  cũng nhận xét: “theo Khoản 7 Điều 56 Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT như đã nêu trên thì phải có kế hoạch sử dụng đất trước mới có cơ sở giải quyết (chấp thuận) nên Uỷ ban nhân dân thành phố chưa xem xét, giải quyết (trong khi đó việc đưa dự án công trình đó vào kế hoạch sử dụng đất là không thể thực hiện được)”.

Như vậy, theo HoREA, khoản 7 Điều 46 Thông tư 01/2021/TT-BTNMT quy định “diện tích đất cần phải chuyển mục đích sử dụng đất trong năm kế hoạch sử dụng đất cấp huyện” là không phù hợp, không thống nhất với khoản 3 Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP) và cũng không phù hợp với thực tiễn.

Do vậy, HoREA đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 46 Thông tư 01/2021/TT-BTNMT về “xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện” để sớm tháo gỡ “vướng mắc” về chấp thuận cho tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp.

Cụ thể, như sau: “7. Cập nhật diện tích đất cần phải chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện việc nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong năm kế hoạch trên cơ sở xem xét đơn đề nghị của tổ chức kinh tế sau khi đã có văn bản của UBND cấp tỉnh chấp thuận cho nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

3 điểm đất nền dự báo tiếp tục được săn đón ở miền Trung

3 điểm đất nền dự báo tiếp tục được săn đón ở miền Trung

Nguồn cung mới của phân khúc đất nền trong 6 tháng cuối năm dao động từ 2.000 – 2.500 nền, tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), thị xã Điện Bàn, TP Hội An (Quảng Nam). Sức cầu chung toàn thị trường dự báo tăng.

Thông tin do Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) công bố tại “Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận 6 tháng đầu năm 2022”.

Theo dự báo từ DKRA Vietnam, nguồn cung mới của phân khúc đất nền trong 6 tháng cuối năm dao động từ 2.000 – 2.500 nền, tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), thị xã Điện Bàn, TP Hội An (Quảng Nam). Sức cầu chung toàn thị trường dự báo tăng, tập trung vào các dự án có pháp lý đầy đủ, hạ tầng hoàn thiện và đặc biệt các dự án gần khu vực giáp sông sẽ có lợi thế cạnh tranh. Đà tăng giá sơ cấp có thể chững lại trong 6 tháng cuối năm do những khó khăn chung của thị trường.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dự kiến tăng so với nửa đầu năm 2022 với khoảng 600 – 800 căn, tập trung tại thị trường Đà Nẵng, sự khan hiếm nguồn cung có thể tiếp tục diễn ra ở các thị trường còn lại. Giá bán sơ cấp và thứ cấp duy trì ổn định, không có nhiều biến động. Sức cầu chung toàn thị trường có thể hồi phục, tuy nhiên khó có sự tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn.

3 diem dat nen du bao tiep tuc duoc san don o mien trung
Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam). Ảnh: Công Sáng

Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự duy trì ở mức tương đương 6 tháng đầu năm, dao động khoảng 600 – 700 căn. Quảng Nam và Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu nguồn cung, riêng Thừa Thiên-Huế khan hiếm nguồn cung mới. Sức cầu thị trường dự kiến tăng và tập trung chủ yếu ở những khu đô thị quy mô lớn, được quy hoạch bài bản và được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi suất, lạm phát tăng cao tiếp tục gây áp lực lên giá bán sơ cấp. Thị trường thứ cấp không có nhiều biến động và tiếp tục xu hướng đi ngang.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotel dự báo tăng so với 6 tháng đầu năm, cung cấp ra thị trường khoảng 500 – 600 căn. Dự báo nguồn cung phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng có khoảng 400 – 500 căn được đưa ra thị trường. Trong khi đó, nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm duy trì sự khan hiếm. Sức cầu chung thị trường có thể tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm nhưng khó có sự gia tăng đột biến. Giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng tăng do áp lực chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất,… Những dự án được quản lý vận hành bởi thương hiệu quốc tế 4 – 5 sao tiếp tục được khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng và Quảng Nam

Theo nhận định của DKRA Vietnam, thị trường bất động sản Nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận trong 6 tháng đầu năm ghi nhận những tín hiệu khởi sắc về nguồn cung và tình hình tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc…

Cụ thể, phân khúc đất nền trong nửa đầu năm 2022, có khoảng 11 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 1,556 nền, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 936 nền). Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 60% (tương ứng 940 nền), tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm 2021 (571 nền).

Nhìn chung, nguồn cung mới và lượng tiêu thụ tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với giai đoạn 2018 trở về trước. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng và Quảng Nam, riêng Thừa Thiên-Huế không ghi nhận nguồn cung mở bán mới. Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 18%, giá bán thứ cấp tăng từ 5% – 15% so với cùng kỳ năm 2021.

3 diem dat nen du bao tiep tuc duoc san don o mien trung
Theo dự báo từ DKRA Vietnam, nguồn cung mới của phân khúc đất nền trong 6 tháng cuối năm dao động từ 2.000 – 2.500 nền. Ảnh: Công Sáng

Phân khúc căn hộ trong 6 tháng đầu năm 2022 có 5 dự án mở bán, tập trung toàn bộ tại Đà Nẵng, cung cấp ra thị trường khoảng 386 căn, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2021 (200 căn). Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới ở mức thấp, chỉ đạt 44% (khoảng 170 căn), tăng 65% so với cùng kỳ năm trước (103 căn). Quảng Nam không ghi nhận nguồn cung mới mở bán, sự khan hiếm này có thể sẽ kéo dài trong 2 – 3 năm tới.

Phân khúc căn hộ hạng C tiếp tục giữ vị trí chủ đạo, chiếm 60% tổng nguồn cung mới trong kỳ, đa phần là người mua tại Đà Nẵng với nhu cầu ở thực. Mặt bằng giá sơ cấp và thứ cấp duy trì ổn định…

Phân khúc nhà phố – biệt thự ghi nhận 7 dự án mở bán trong 6 tháng đầu năm 2022, cung cấp ra thị trường khoảng 656 căn, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước (343 căn). Tỷ lệ tiêu thụ chung trên toàn thị trường đạt khoảng 83% tương đương 542 căn, gấp 2.5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 (219 căn). Nguồn cung tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng và Quảng Nam.

Những sản phẩm có diện tích nhỏ khoảng từ 85 – 150m2, với mức giá trung bình khoảng 3.5 – 8.0 tỷ đồng/căn thu hút tốt sự quan tâm của thị trường. Giá bán sơ cấp tăng nhẹ 1.5% so với cùng kỳ, đáng chú ý có dự án tại Quảng Nam ghi nhận mức tăng lên đến 6%, tuy nhiên kèm theo đó là nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khách hàng như chiết khấu, ân hạn nợ gốc… Giá bán thứ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang và không có nhiều biến động so với cùng kỳ.

Loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận sự gia tăng về nguồn cung so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn còn khá khiêm tốn so với những địa phương phát triển du lịch khác.

Cụ thể, ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường đón nhận nguồn cung mới đến từ 3 dự án với khoảng 103 căn, gấp 6.8 lần so với cùng kỳ năm trước (15 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 54% (tương đương 56 căn), gấp 28 lần so với 6 tháng đầu năm 2021.

Lượng tiêu thụ trong kỳ hầu hết tập trung vào những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín và có giá bán dao động từ 15 – 30 tỷ đồng/căn. Chi phí đầu vào, lạm phát ngày càng tăng tạo áp lực lên giá bán, do đó giá bán sơ cấp ghi nhận mức tăng từ 8% – 10% so với nửa đầu năm 2021.

Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 138 căn mở bán,đến từ giai đoạn tiếp theo của một dự án hiện hữu, gấp đôi năm 2021,chiếm tỷ trọng khoảng 6% trong tổng nguồn cung mới của cả nước. Nguồn cung tập trung chủ yếu ở Quảng Nam, riêng Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế không có nguồn cung mới. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 100% (138 căn), cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tiêu thụ cả năm 2021.

Phân khúc condotel chứng kiến sự gia tăng nguồn cung so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp so với giai đoạn trước năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm, thị trường Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận 177 căn condotel mở bán đến từ 2 dự án. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 24% (43 căn), chủ yếu đến từ một dự án trên đường Võ Nguyên Giáp. Mặt bằng giá bán sơ cấp dao động từ 22 – 120 triệu đồng/m2 và không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước.

Chỗ ‘đói’ tiền đầu tư, nơi hoang phí nghìn tỷ nhà đất công

Chỗ ‘đói’ tiền đầu tư, nơi hoang phí nghìn tỷ nhà đất công

Nguồn tiền để đầu tư nhiều dự án thì không có nhưng nghịch lý là khối nhà đất công sản giá trị nghìn tỷ lại chưa được tận dụng triệt để, thậm chí bỏ hoang nhiều năm.

4 năm Nghị quyết, không thu được một đồng nào

Khoảng sân của căn nhà số 185/4 đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM) đang được chủ quán ăn gần đó tận dụng làm nơi giữ xe. Toàn bộ phần còn lại của khối nhà không được sử dụng. Vị trí căn nhà (diện tích đất 76,8m2, diện tích sàn sử dụng 386,4m2) đắc địa ngay khu phố Tây Bùi Viện – Phạm Ngũ Lão, cách mặt đường lớn và công viên 23/9 vài bước chân. Tham khảo trên một website nhà đất, ở vị trí tương đương mức giá bán từ 500-700 triệu đồng/m2.

Tương tự, căn nhà số 547 đường Hồng Bàng (quận 5) nằm mặt tiền đường lớn trung tâm quận nhưng cũng để không từ hơn 4 năm nay. Cánh cửa rỉ sét, bức tường mốc meo của khối nhà 4 tầng (diện tích đất 61,5m2, diện tích sàn sử dụng 183m2) khiến nhiều người không khỏi “xót của”. Mức giá giao dịch BĐS tương đương khoảng 350-400 triệu đồng/m2.

Cả hai địa chỉ nhà đất nêu trên thuộc Viện Cơ học và Tin học ứng dụng (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam), chỉ cần nhẩm tính sơ có thể thấy giá trị 2 công sản bỏ hoang đã khoảng trên dưới 60 tỷ đồng.

cho doi tien dau tu noi hoang phi nghin ty nha dat cong
Nhà đất công sản tại đường Hồng Bàng, quận 5 đã bỏ không nhiều năm nay (ảnh: Trần Chung)

Theo thống kê của Phòng Quản lý Công sản (Sở Tài chính TP.HCM), tính đến ngày 31/12/2017, tổng số nhà đất thuộc khối Trung ương trên địa bàn TP là khoảng 2.000 địa chỉ. Thời điểm đó, khối các đơn vị Trung ương mong muốn tiếp tục quản lý, sử dụng đối với 1.307 địa chỉ. Cho đến nay, vẫn không ai đo lường hiệu quả sử dụng của khối công sản ước tính cả nghìn tỷ này.

Từ ngày 15/1/2018, Nghị quyết 54/2017/QH2014 về “Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM” chính thức có hiệu lực. Theo đó, ngân sách TP.HCM sẽ được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý nằm trên địa bàn thành phố. Khoản thu trên sẽ được dùng để đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của chính thành phố.

Tinh thần Nghị quyết là muốn có thêm nguồn lực cho TP.HCM nhưng qua thực tế hơn 4 năm qua, đến khi Nghị quyết sắp hết hiệu lực mà địa phương này vẫn không phát sinh được khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công thuộc diện nêu trên. Chỉ duy nhất 2 địa chỉ nhà tại Phạm Ngũ Lão và Hồng Bàng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán nhưng do vẫn chưa thực hiện được việc bán nên TP.HCM chưa phát sinh 50% khoản thu theo Nghị quyết 54.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, một thành viên của HĐND TP.HCM cho biết, quy định của Bộ Tài chính đã có nhưng quản lý tài sản công mới chỉ dừng ở mức danh mục. Trong khi, điều quan trọng là hiện trạng và giá trị tài sản lại chưa được quản lý. “Làm sao các bên liên quan dám thực việc điều chuyển, bán, cho thuê hay hợp tác đối với nhà đất công sản của Trung ương khi chưa rõ các thông tin”, vị này nói.

“Đói” tiền đầu tư nhưng khai thác công sản kém hiệu quả

Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP.HCM do Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM nhận định, khoản thu đặc thù của Nghị quyết 54 từ quản lý tài sản công do cơ quan Trung ương quản lý, sử dụng trên địa bàn TP.HCM chưa thành hiện thực, chủ yếu do tính chất phức tạp cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành. Đến nay, chưa tạo được dòng tiền vào cho ngân sách cả Trung ương lẫn TP.HCM từ chính sách. Trong khi đó, thành phố đang đứng trước nguy cơ hết room tín dụng, vướng mắc trong khâu huy động vốn vay để có thể triển khai hàng loạt chương trình, dự án đầu tư công trọng điểm cấp thiết sắp tới.

Tại Tọa đàm “Đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14”, PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại biểu Quốc hội khóa XV, khẳng định, việc khai thác, sử dụng tài sản công trên địa bàn TP.HCM chưa hiệu quả, trong khi đây là nguồn thu rất quan trọng.

cho doi tien dau tu noi hoang phi nghin ty nha dat cong
Một tài sản công có vị trí đắc địa tại đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 đã bỏ không và bị tận dụng làm chỗ để xe (ảnh: Trần Chung)

Ông dẫn chứng, Đại học quốc gia TP.HCM là đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện mạnh tự chủ đại học, do vậy ngân sách chi thường xuyên ngày càng giảm. Trường có quỹ đất cả nội thành gồm 3 trường thành viên là: Đại học KH-TN, KH-XH&NV và Đại học Bách Khoa. Tuy nhiên, cơ chế cho phép đồng khai thác, sử dụng đất tài sản công chưa rõ ràng, kể cả khi trường muốn hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng chưa thực hiện được. Nếu khai thác hiệu quả tài sản công sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn thu của trường. Tương tự, khi TP.HCM có thể tận dụng nhà đất công sản sẽ mang lại nguồn lực đáng kể cho địa phương để tái đầu tư vào hạ tầng.

Còn theo GS.TS Nguyễn Thị Cành, từ hàng chục năm nay, hàng loạt nhà đất công sản để treo là một lãng phí cực lớn. Ai cũng hiểu rằng, địa phương quản lý công sản sẽ hiệu quả hơn vì biết được tài sản đó cần dùng vào việc gì do nằm ngay tại địa bàn. Dẫu vậy, các cơ quan Trung ương lại muốn nắm giữ nhưng để đó và không thể sử dụng, khai thác hết. Số lượng công sản khá nhiều, phần lớn bỏ không.

GS. Cành đề nghị, để khai thác hiệu quả, tài sản công nằm địa phương nào thì cần giao cho địa phương đó quản lý. Ví dụ, khi giao nhà đất công sản của Trung ương cho TP.HCM quản lý, sẽ thành lập quỹ để phát triển tài sản nhằm sử dụng có hiệu quả khối tài sản này. Quỹ sẽ điều tiết thanh toán bù trừ với Bộ Tài chính trong trường hợp các cơ quan đại diện Trung ương muốn thuê mặt bằng hoạt động tại TP.HCM.

“Vì thành phố sử dụng tài sản công làm quỹ nên khi các đơn vị Trung ương cần thuê văn phòng tại TP.HCM thì địa phương sẽ làm việc với Bộ Tài chính để bù hoàn cho chi phí đó. Sau khi nộp về ngân sách Trung ương, nguồn tiền còn lại trong quỹ sẽ phục vụ tái thiết hạ tầng kinh tế-xã hội tại chỗ. Tôi kiến nghị vậy cả chục năm rồi nhưng mãi chưa thực hiện được”, bà Cành nói.

Chuyên gia SSI: Định giá ‘đếm cua trong lỗ’ không đúng bản chất

Chuyên gia SSI: Định giá ‘đếm cua trong lỗ’ không đúng bản chất

Chuyên gia phân tích cho rằng định giá cổ phiếu bất động sản cần phải kết hợp nhiều phương pháp như chiết khấu dòng tiền với định giá P/E, P/B.

Nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian qua đã chịu sự điều chỉnh mạnh mẽ, không chỉ bởi thị trường chứng khoán đi xuống mà còn bị tác động bởi nhiều thông tin về lãi suất tăng, siết tín dụng hay chấn chỉnh thị trường trái phiếu…

Nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu bất động sản với kỳ vọng lớn nhưng hiện tại đã có thể lỗ nặng nề đến 60-70% trên vốn bỏ ra. Cổ phiếu đã chiết khấu xuống sâu nhưng định giá chưa hẳn đã đủ rẻ, triển vọng kinh doanh cũng phân hóa theo từng doanh nghiệp.

Điều chỉnh là cần thiết

Ông Vũ Ngọc Quang – Chuyên gia cao cấp SSI Research nhìn nhận cổ phiếu bất động sản đã có mức tăng rất mạnh, thậm chí lên bằng lần trong năm 2021 nên đợt điều chỉnh vừa qua là cần thiết.

chuyen gia ssi dinh gia dem cua trong lo khong dung ban chat
Một số mã bất động sản giảm hơn 60% kể từ đầu năm. Đồ thị: TradingView.

Mức rơi 60-70% là khá sốc với nhà đầu tư và vị chuyên gia thừa nhận với bối cảnh hiện tại thì việc kỳ vọng hồi phục là cực kỳ khó, nếu không muốn nói là phải chờ một thời gian rất dài mới có thể “về bờ”.

“Nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu bất động sản nên biết tự tha thứ cho bản thân một chút, tức là có thể chấp nhận cơ cấu một phần cắt lỗ và chuyển sức mua đó cho cổ phiếu khác thì có thể về bờ dễ dàng hơn là việc bỏ mặc danh mục”, ông Quang nói trong Talkshow Chọn danh mục kỳ 13 mới đây.

Năm ngoái, cổ phiếu bất động sản được nhiều người định giá theo cách “đếm cua trong lỗ”, tức lấy diện tích dự án nhân với đơn giá kỳ vọng, rồi sau đó chia ra lợi ích về cho chủ đầu tư. Theo cách đó, nhiều mã trong ngành này thậm chí được kỳ vọng lên thị giá 500.000-1 triệu đồng.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích bất động sản nhấn mạnh cách định giá đó trong năm nay đã không còn đúng và không còn phản ánh đúng bản chất nữa.

Theo phương pháp định giá của SSI Research, khi tính toán giá trị tài sản ròng (NAV) hay tính chiết khấu dòng tiền các dự án thì phải lập FS (nghiên cứu khả thi) của dự án và phân bổ tiến độ bán trong tương lai, rồi chiết khấu dòng tiền hiện tại để ra được giá trị công ty.

Trong bối cảnh hiện tại, lãi suất có chiều hướng gia tăng hay việc bán hàng các dự án kéo dài hơn ước tính thì giá trị dòng tiền sẽ bị ảnh hưởng.

Đó là chưa kể đến trình trạng pháp lý các dự án của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Các công ty có pháp lý mạnh có thể sẵn sàng bán trong năm nay hoặc năm sau, nhưng có những dự án vẫn ở bước hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

“Khi chủ đầu tư không có tiền nộp vào ngân sách thì việc triển khai dự án và thu lợi cho cổ đông rất khó, nên lợi nhuận tưởng tượng ra để hiện thực vào giá cổ phiếu là một câu chuyện khác, năm nay nhà đầu tư nên có cái nhìn đa chiều hơn” ông nói.

Vị chuyên gia còn bổ sung ngoài phương pháp chiết khấu dòng tiền thì còn kết hợp với phương pháp khác như định giá P/E, P/B. Các chỉ số sẽ được áp trọng số theo từng thời điểm để phản ánh thị trường.

Tránh đếm cua trong lỗ

Để tránh việc định giá theo cảm tính, chuyên gia SSI khuyến nghị nên theo sát thông tin doanh nghiệp như các bản tin cho cổ đông, sẽ cập nhật doanh số bán hàng, kiểm tra thông tin đều đặn để so sánh với kỳ vọng.

Điểm lưu ý tiếp theo là yếu tố thời điểm, chẳng hạn kết quả doanh nghiệp địa ốc trong quý II thường chưa có nhiều đột biến, và lợi nhuận thông thường tập trung về giai đoạn cuối năm, đó đó thời điểm hiện tại chưa cần phải vội vàng.

Đừng nhìn quý II có một vài nhịp hồi kỹ thuật mà có thể tất tay số tiền còn lại vào cổ phiếu bất động sản. Tôi nghĩ đó là điều không hợp lý và chúng ta nên chờ đợi khi nào thị trường có nền tảng vững chắc

Ông Vũ Ngọc Quang – Chuyên gia cao cấp SSI Research.

Thông thường các doanh nghiệp sẽ bàn giao sản phẩm cho người mua nhà vào khoảng quý III và IV nên sẽ có một số diễn biến sôi động hơn, nên có thể kỳ lợi nhuận cải thiện tốt hơn các quý đầu năm.

“Đừng nhìn quý II có một vài nhịp hồi kỹ thuật mà có thể tất tay số tiền còn lại vào cổ phiếu bất động sản. Tôi nghĩ đó là điều không hợp lý và chúng ta nên chờ đợi khi nào thị trường có nền tảng vững chắc”, ông Quang chia sẻ.

Nhà đầu tư có thể đưa ra một các danh sách cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt, định giá rẻ để theo dõi. Khi thị trường có những đợt điều chỉnh về vùng giá thích hợp để đầu tư dài hạn thì có thể giải ngân.

Chia sẻ về triển vọng thời gian tới, ông Quang đánh giá chưa có những tín hiệu rõ rệt giai đoạn cuối năm nay, những ảnh hưởng đáng kể nếu có sẽ rơi vào năm 2023.

“Năm nay doanh số bán hàng bị ảnh hưởng bởi room tín dụng yếu nên người mua cũng khó tiếp cận vốn, giá nguyên vật liệu tăng cao tính vào giá thành có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp và năm 2023 sẽ phản ánh rõ hơn câu chuyện này”.

Theo ước tính của SSI Reseach, dự báo lợi nhuận toàn ngành bất động sản năm sau có thể tăng trưởng 12% do một số cái tên chiếm trọng số lớn vẫn sẽ dẫn dắt và có mức tăng nhất định so với mức nền thấp trong thời kỳ trước đó.

Với sự phân hóa hiện tại, doanh nghiệp có lợi nhuận hay doanh số bán hàng tốt thì hoàn toàn có khả năng hồi phục trở lại. Trong khi các cổ phiếu kiểu “đếm cua trong lỗ” hay “dự án bánh vẽ” thì khả năng hồi phục rất khó, nên dành tiền cho những cơ hội mới.

Vị chuyên gia khuyến nghị khi lựa chọn cổ phiếu bất động sản nên chọn doanh nghiệp có câu chuyện phát triển lành mạnh để không bị quá thụ động và bất ngờ với diễn biến xấu của thị trường chung.

Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài còn trên giấy, đất Tây Ninh đã lên ‘cơn sốt’

Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài còn trên giấy, đất Tây Ninh đã lên ‘cơn sốt’

Các sở ngành của TP.HCM và tỉnh Tây Ninh vẫn đang hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Cùng với đó, giá đất dọc tuyến cao tốc này đang bị đẩy lên cao.

Giá đất “ăn theo” cao tốc

Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có tổng chiều dài 53km. Trong đó, có 23,7km đi qua TP.HCM, đoạn còn lại thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh. Năm 2021, dự án này đã được HĐND TP.HCM và tỉnh Tây Ninh có nghị quyết chấp thuận đầu tư.

Tổng mức đầu tư của dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là 15.900 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP – hợp đồng BOT. Dự án bắt đầu từ vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, tuyến đi song song quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.

Khi hình thành, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ giảm tải đáng kể cho Quốc lộ 22, tuyến đường đang bị quá tải khi lưu lượng xe lưu thông hằng ngày rất cao. Tuy dự án chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục thế nhưng giá đất dọc tuyến cao tốc đã bị đẩy lên cao, tình trạng giao dịch diễn ra sôi động.

du an cao toc tphcm moc bai con tren giay dat tay ninh da len con sot
Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Trong vai người đi mua đất, PV VietNamNet được ông T, môi giới nhà đất tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, chào mời lô đất tại ấp Long Cường, xã Long Khánh. Theo ông T, lô đất này có diện tích 150m2, 100% thổ cư, chủ gửi bán với giá 750 triệu đồng.

“Lô đất nằm liền kề cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, trong bán kính 2km có đầy đủ tiện ích như chợ, trường học, trạm y tế. Lô này là phân khúc tầm trung, rất phù hợp để đầu tư lướt sóng”, ông T. giới thiệu và cam kết rằng khi cao tốc xây dựng thì lợi nhuận ít nhất 50%.

Cũng theo ông T, từ khi có thông tin quy hoạch cao tốc TP.HCM – Mộc Bài vào năm ngoái, người dân địa phương rao bán đất rất nhiều. So với năm ngoái, giá đất tại huyện Bến Cầu đã tăng từ 30% – 50%, tăng mạnh nhất là lô đất nằm trong quy hoạch dọc tuyến cao tốc.

du an cao toc tphcm moc bai con tren giay dat tay ninh da len con sot
Giá đất tại nhiều khu vực quy hoạch dọc tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đang tăng nhanh.

Cách đó khoảng 2km, chỉ vào bản đồ quy hoạch trên màn hình điện thoại, “cò đất” tên B. cho biết đang bán 5 lô đất nằm gần đường nối cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Theo người này, những lô đất này vẫn còn là đất nông nghiệp nên giá bán còn “mềm” hơn, mỗi mét ngang chỉ từ 80 triệu đồng – 100 triệu đồng.

Theo ông B, giá mỗi mét ngang tại các lô đất này đã tăng từ 20 triệu đồng – 40 triệu đồng so với năm trước. Nếu chờ đến khi cao tốc thành hình thì giá còn cao gấp nhiều lần.

Ngược về huyện Gò Dầu, tình trạng mua đất dọc tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cũng nhộn nhịp không kém. Ngoài những “cò đất” địa phương, không ít nhân viên môi giới của những sàn giao dịch bất động sản cũng tham gia “làm nóng” thị trường.

Nhân viên của một sàn giao dịch bất động sản cho biết, công ty ông vừa bán hết sạch 40 lô đất nằm gần đường dẫn lên cao tốc, giá chỉ 500 triệu đồng/lô. Khi mua đất, công ty sẽ lo trọn thủ tục từ sang tên đến chuyển mục đích sử dụng đất lên thổ cư.

Nhân viên này tư vấn, vì đến nay vẫn chưa có quy hoạch cụ thể nên nếu mua gần đường cao tốc rất dễ bị giải toả. Trong khi đó, giá đất cách vị trí đường cao tốc từ 2km đến 3km còn rẻ, tiềm năng tăng giá vẫn còn.

Hồ sơ đất đai quá tải, cẩn trọng “sốt ảo”

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tình trạng “sốt đất” dọc tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh đã âm thầm diễn ra từ năm 2021 khi xuất hiện những thông tin sơ khởi về dự án.

Đến nay, các sở ngành hai địa phương vẫn đang phối hợp đẩy nhanh tiến độ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Từ đó, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo ông Kiều Công Minh – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu “sốt đất”. Đặc biệt, tình trạng phân lô bán nền gia tăng, từ đó tạo ra “sốt ảo”.

Ông Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, hồ sơ đất đai được Sở TN&MT tiếp nhận tăng đột biến. Cụ thể, trong hơn 134.500 hồ sơ tiếp nhận, Sở đã giải quyết hơn 128.700 hồ sơ. Hồ sơ trễ hạn lên đến 4.700 hồ sơ. Vẫn còn gần 5.800 hồ sơ chưa giải quyết.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến hồ sơ đất đai bị quá tải, như: Tỉnh đang xem xét ban hành quy định điều kiện tách thửa đất; phải cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; có những hạn chế trong quá trình phối hợp giữa Văn phòng Đăng ký Đất đai và cơ quan thuế…

Dưới góc độ đầu tư, Chuyên gia kinh tế – TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng, đầu tư bất động sản, nhất là đất nền, thì rủi ro sẽ xuất hiện khi có thông tin quy hoạch hạ tầng giao thông. Nhiều bài học cho nhà đầu tư như sân bay Long Thành, sân bay Gò Găng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hay gần đây là “sốt đất” vì thông tin quy hoạch sân bay Téc níc Hớn Quản, Bình Phước… vẫn còn đó.

“Giới cò đất thường lợi dụng thông tin quy hoạch các dự án giao thông vẫn còn nằm trên giấy để tạo hiệu ứng đám đông. Nhiều nhà đầu tư mắc bẫy khi ồ ạt mua vào, đến khi giới cò này rút đi thì người mua chết đứng vì không thể thoát hàng”, TS. Lê Bá Chí Nhân cảnh báo.

Làn sóng chuyển dịch nhà máy làm nóng ‘cuộc chơi’ bất động sản công nghiệp

Làn sóng chuyển dịch nhà máy làm nóng ‘cuộc chơi’ bất động sản công nghiệp

Theo Tập đoàn Kajima (Hoa Kỳ), Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và việc hãng Apple quyết định chuyển dây chuyền sản xuất máy tính bảng iPad sang Việt Nam tạo ra xu hướng, thúc đẩy những “gã khổng lồ công nghệ” khác tìm đến Việt Nam.

lan song chuyen dich nha may lam nong cuoc choi bat dong san cong nghiep
Toàn cảnh Khu công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Trong nửa đầu năm 2022, mặc dù chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị và chính sách Zero COVID của Trung Quốc nhưng thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực sau khi Việt Nam mở cửa lại các đường bay quốc tế. Hàng loạt các dự án khu công nghiệp, kho xưởng được khởi công tại nhiều địa phương.

Khởi công nhiều dự án

Với nhu cầu logistics ngày càng tăng do làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất trên thế giới sang Việt Nam, Công ty CBRE Việt Nam đã ghi nhận nhiều dự án bắt đầu triển khai hoạt động xây dựng ở cả miền Bắc và miền Nam trong 6 tháng đầu năm 2022.

Điển hình như lễ khởi công của VSIP 3 – khu công nghiệp thứ 11 của VSIP tại Việt Nam ở tỉnh Bình Dương với diện tích hơn 1.000 ha; khu công nghiệp DEEP C – giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II với quy mô 10,6 ha; JD Future Explore V Limited khởi công xây dựng Khu Logistics JD Property (Việt Nam) Hải Phòng 1 tại Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Khu 1), với diện tích đất 97.000 m2.

Gần đây nhất, vào tháng 6/2022, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW) đã khởi công dự án “Dự án 16 – Kho xây sẵn BW Phú Nghĩa” tại khu công nghiệp Phú Nghĩa (Hà Nội). Đây là dự án đầu tiên của BW tại Hà Nội được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh LEED.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Savills Việt Nam, ngay đầu năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam đã chào đón nhiều dự án mới. Nổi bật là khoản đầu tư 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm”.

Bên cạnh đó, Tập đoàn YSL cũng đang triển khai dự án đất công nghiệp có diện tích gần 300 ha tại Nam Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Dự án được xây dựng theo định hướng phát triển xanh và công nghệ cao, sở hữu yêu cầu khắt khe về trang thiết bị, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Trong tương lai, khu công nghiệp Nam Bình Xuyên sẽ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là doah nghiệp Hàn Quốc, đầu tư tại Vĩnh Phúc.

Sự kiện ra mắt thương hiệu Core5 Việt Nam thuộc sở hữu của Công ty TNHH Indochina Kajima Development (liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima- Hoa Kỳ), tổ chức vào đầu tháng 7/2022 tại TP Hồ Chí Minh, đánh dấu sự khởi đầu trong mảng đầu tư kinh doanh bất động sản công nghiệp của Indochina Capital, một trong những công ty đầu tư và phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam.

Ông Peter Ryder, Tổng Giám đốc Indochina Capital cho biết, Core5 Việt Nam có kế hoạch triển khai các dự án bất động sản công nghiệp chất lượng cao trên khắp các địa điểm sản xuất trọng điểm của Việt Nam. Niềm tin vào tiềm năng của thị trường được củng cố bởi tầm nhìn dài hạn của Indochina Capital trong việc đầu tư 1 tỷ USD vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong vòng 5-7 năm tới.

Cùng đó, Core5 Việt Nam có kế hoạch phát triển danh mục bất động sản công nghiệp chất lượng cao tại các địa bàn sản xuất và logistics trọng điểm hiện có và đang hình thành trên khắp Việt Nam. Danh mục đầu tư hiện tại của Core5 Việt Nam có tổng diện tích đất khoảng 90 ha, bao gồm 7 dự án ở miền Bắc và 1 dự án ở miền Nam của Việt Nam.

Khi hoàn thành xây dựng, các dự án này sẽ cung cấp cho thị trường diện tích cho thuê khoảng 700.000 m2 với tổng chi phí đầu tư phát triển gần 450 triệu USD. Dự án đầu tiên của Core5 Việt Nam tọa lạc tại vị trí đắc địa trong khu công nghiệp Deep C Hải Phòng 2, sẽ cung cấp ra thị trường diện tích cho thuê gần 90.000 m2. Dự án này dự kiến sẽ bắt đầu được xây dựng vào tháng 7/2022 và bàn giao các nhà xưởng đầu tiên vào quý I/2023.

Theo ghi nhận của các công ty tư vấn bất động sản, với cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, thị trường cũng chứng kiến nhiều thông tin tích cực về thị trường bất động sản công nghiệp; trong đó, ở khu vực phía Bắc đáng chú ý với thông tin hơn 2.500 tỷ đồng vốn đầu tư vào 2 bến container tại Hải Phòng; tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ được vận hành từ tháng 8/2022.

Ngoài ra, đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh thành là Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, có tổng chiều dài 76,34 km đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào giữa tháng 6/2022. Với sự hoàn thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng, thị trường khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ đón nhận nhu cầu tích cực trong thời gian tới.

Nhu cầu ngày càng lớn

Về tình hình hoạt động thị trường đất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022, CBRE Việt Nam cho biết, các thị trường cấp 1 ghi nhận tỷ lệ lấp đầy khả quan ở mức từ 80% ở khu vực phía Bắc và 90% ở khu vực phía Nam; trong đó, 5 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương với gần 15.000 ha đất công nghiệp. Trong khi đó, các thành phố chính ở khu vực phía Nam là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng quy mô đất hơn 30.000 ha.

Nhờ tỷ lệ lấp đầy khả quan, giá thuê đất trung bình ghi nhận mức tăng trưởng tại các thành phố công nghiệp chính, cụ thể ở mức từ 5 – 12% tại phía Bắc và 8 – 13% tại phía Nam so với cùng kỳ năm trước.

Theo ghi nhận của CBRE đối với một số khu công nghiệp tiêu biểu trong từng khu vực, mức giá chào thuê thậm chí có thể tăng tới 20% tại một vài dự án ở khu vực phía Bắc và khoảng 26% ở khu vực phía Nam.

Trong khi đó, với việc nguồn cung kho đang tăng nhanh tại nhiều địa phương, giá thuê kho được giữ ở mức ổn định. Giá đất công nghiệp dự kiến sẽ duy trì ở mức cao, giá thuê nhà kho và xưởng dự kiến biến động nhẹ ở mức 0 – 3%/năm.

Nhu cầu mở rộng mạnh mẽ từ lĩnh vực ô tô và điện tử dự kiến sẽ thúc đẩy tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tăng cao đặc biệt tại khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, các tên tuổi lớn trong lĩnh vực điện tử như Samsung, LG Display, Xiaomi, Goertek cũng công bố kế hoạch mở rộng, tăng vốn hoặc thuê mới nhà xưởng để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam.

Theo CBRE Việt Nam, trong vòng ba năm tới, nguồn cung đất công nghiệp sẽ tăng thêm hơn 14.000 ha cho cả hai thị trường; trong đó, các tỉnh công nghiệp cấp 2 sẽ lần lượt chiếm khoảng 21 – 42% nguồn cung miền Nam và miền Bắc.

Một số khu công nghiệp chuẩn bị đi vào hoạt động trong nửa cuối 2022 và đầu năm 2023 đã đạt được tỷ lệ cam kết cho thuê sớm khả quan, ở ngưỡng từ 40 – 100% giai đoạn đầu triển khai. Với nguồn cầu khả quan, mức giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng khả quan là khoảng 5 – 10%/năm trong ba năm tới tại thị trường phía Bắc và 8 – 13%/năm tại khu vực phía Nam.

Những thay đổi này được thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp trong tương lai và tăng nguồn cung có chất lượng, gần đây nhất là việc ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Về đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, Nghị định số 35 bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khi theo quy định, các khu công nghiệp được xác định thành lập kể từ ngày được cấp có thẩm quyền.

Thủ tục thành lập và mở rộng các khu công nghiệp được đơn giản hóa, ưu tiên thức đẩy sự phát triển của mô hình khu công nghiệp sinh thái và phát triển nhà ở, tiện ích cho công nhân là những điểm nổi bật trong quy định mới này.

CBRE kỳ vọng diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng. Với mỗi 1 tỷ USD doanh thu từ thương mại điện tử, thị trường sẽ cần thêm 92.903 m2 diện tích logistics.

Trong 5 năm tới, dự kiến cần khoảng 160 – 200 triệu m2 diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử trên toàn thế giới. Việt Nam đang trở thành nền kinh tế kỹ thuật số lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và dự kiến sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hơn.

Dựa theo dự báo tăng trưởng về quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam, ước tính sẽ cần thêm hơn 2 triệu m2 diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử tới năm 2025 cho cả nước.

Nhiều tiềm năng phát triển

Theo các chuyên gia của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản tất yếu sẽ trở thành “miếng bánh hấp dẫn” cho các doanh nghiệp nước ngoài; trong đó, 2/3 doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, đặc biệt bất động sản công nghiệp ngày càng thu hút vốn.

Đáng lưu ý, dòng tiền FDI vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa. Điều này là bởi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam.

Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia phòng chống dịch tốt nhất với tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Đây là một trong những ưu điểm rất lớn, mang lại lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký kết 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Nổi lên như một thị trường lớn mạnh với lượng lao động trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh khả năng thu hút FDI với các nước khác trong khu vực.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc di dời ra khỏi Trung Quốc.

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, một số xu hướng được kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện, chẳng hạn như ngành công nghiệp 4.0 và sản xuất chế tạo thông minh hơn; hiện đại hóa chuỗi cung ứng; hình thức bán – thuê lại tài sản; các mô hình khu công nghiệp mới và quy hoạch tổng thể hiện đại; trung tâm dữ liệu; kho lạnh.

Theo ông John John Campbell, kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việc mở cửa những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho một năm 2022 thành công.

Cùng với kế hoạch mở cửa trở lại, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình các nhà đầu tư nước ngoài, hứa hẹn khả năng phục hồi và thích ứng tuyệt đối của các doanh nghiệp địa phương. Vẽ nên một bức tranh Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chia sẻ về tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, ông Keisuke Koshijima, Giám đốc đại diện kiêm Phó Chủ tịch điều hành của Tập đoàn Kajima (Hoa Kỳ) cho biết, từ góc nhìn toàn cầu, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và được củng cố hơn nữa bởi các yếu tố như dân số đông, trẻ và ngày một phát triển.

Chìa khóa cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam chính là lĩnh vực sản xuất có tỷ trọng chiếm hơn 1/3 tổng GDP của Việt Nam. Triển vọng trong lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục hấp dẫn nhờ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, thể hiện qua việc một số nhà sản xuất nổi tiếng dịch chuyển đến Việt Nam.

Gần đây, Apple đã quyết định chuyển dây chuyền sản xuất máy tính bảng iPad sang Việt Nam, được xem là một xu hướng mà cho rằng Kajima sẽ tiếp tục diễn ra với những gã khổng lồ công nghệ khác.

“Ngành công nghiệp sản xuất kết hợp với lĩnh vực thương mại điện tử đang tăng trưởng nhanh chóng tạo điều kiện thị trường thuận lợi cho thương hiệu Core5 mở rộng phát triển tại Việt Nam”, ông Keisuke Koshijima nhấn mạnh.

Thái Nguyên: Chuyển mục đích hơn 300ha đất lúa để thực hiện 85 dự án

Thái Nguyên: Chuyển mục đích hơn 300ha đất lúa để thực hiện 85 dự án

(Xây dựng) – Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua 22 Nghị quyết, trong đó có nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn.

thai nguyen chuyen muc dich hon 300ha dat lua de thuc hien 85 du an
Trong quá trình triển khai thực hiện, trên địa bàn một số huyện, thành phố phát sinh thêm nhu cầu sử dụng đất cần bổ sung để tổ chức thực hiện.

Danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 208/NQ-HĐND ngày 10/12/2021. Theo đó, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cho các huyện, thành phố để thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong năm 2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, trên địa bàn một số huyện, thành phố phát sinh thêm nhu cầu sử dụng đất cần bổ sung để tổ chức thực hiện trong năm 2022.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án, nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, sau khi xem xét Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 284/TTr-STNMT ngày 24/5/2022; Tờ trình số 311/TTr-STNMT ngày 7/6/2022; tiếp thu ý kiến kết luận phiên họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Thông báo số 484-KL/TU ngày 28/6/2022 về chủ trương đối với việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. UBND tỉnh Thái Nguyên trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, gồm: 85 dự án thu hồi đất, 64 dự án có chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng thông qua điều chỉnh tên, diện tích đối với 16 công trình, dự án trên địa bàn.

Cụ thể, 85 dự án trên địa bàn sẽ thu hồi đất gần 773ha, trong đó có hơn 300ha đất lúa. Thành phố Phổ Yên là địa phương có dự án và diện tích đất thu hồi nhiều nhất với 20 dự án, gần 158ha. Tiếp đến là huyện Phú Bình với 15 dự án, 282ha; huyện Đại Từ 13 dự án với 256ha…

Trong số 64 dự án, công trình có chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên huyện Phú Bình là địa phương có số dự án và diện tích thu hồi lớn nhất với 12 dự án, 62ha; huyện Đại Từ với 14 dự án và gần 50ha; thành phố Phổ Yên có 12 dự án với 13,18ha;

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên: Các dự án có nhu cầu thiết thực và có đủ hồ sơ căn cứ pháp lý theo quy định. Đây là các công trình, dự án thuộc trường hợp trình HĐND tỉnh thông qua bổ sung danh mục dự án thu hồi đất có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản 3 Điều 62 và Điểm b Khoản 1 Điều 58, Luật Đất đai trước khi UBND tỉnh quyết định phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất.

Quảng Bình: Có 173 dự án giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ kéo dài nhiều năm

Quảng Bình: Có 173 dự án giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ kéo dài nhiều năm

(Xây dựng) – Tỉnh Quảng Bình hiện có 173 dự án giao đất, cho thuê đất đã đầu tư chậm tiến độ quá 24 tháng trên tổng số 761 dự án kể từ khi Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/7/2014, cần được xem xét lại chủ trương, chế tài xử lý vi phạm, trách nhiệm của các địa phương liên quan.

quang binh co 173 du an giao dat cho thue dat cham tien do keo dai nhieu nam
Dự án khu nghỉ dưỡng ven biển Thanh Hà – Đá Nhảy suất đầu tư 230 tỷ đồng, cửa đóng then cài sau hơn 8 năm chậm triển khai.

Tại cuộc họp về các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2022, ông Đoàn Ngọc Lâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo rõ về việc kiểm tra các dự án chậm triển khai và khu đất chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Qua rà soát, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 761 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó khoảng 173 dự án chậm tiến độ nhiều năm (chiếm tỷ lệ 22,7%), cụ thể: 103 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 68 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất và 02 dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị.

Nguyên nhân là do công tác chuẩn bị đầu tư mất rất nhiều thời gian, việc các tổ chức kinh tế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư gây khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng; sự cố môi trường biển năm 2016 và đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay đã làm ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của nhà đầu tư. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một số nhà đầu tư cố tình giữ đất, không triển khai thực hiện dự án để chờ cơ hội chuyển nhượng dự án. Quy định của pháp luật về điều kiện thu hồi đất của nhà đầu tư do chậm tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng bất cập, dẫn đến chậm trễ kéo dài nhưng không thể thu hồi đất.

Tiếp đến là thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc thu hồi đất, các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng vi phạm pháp luật đất đai. Phần diện tích đất đã thu hồi phải được đưa ngay vào sử dụng đúng quy định. Quan trọng hơn cả là lựa chọn được nhà đầu tư bảo đảm năng lực tài chính và khả năng triển khai cũng như quyết tâm thực hiện dự án.

quang binh co 173 du an giao dat cho thue dat cham tien do keo dai nhieu nam
Dự án Khách sạn 5 sao Pullman của Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội – Quảng Bình dừng thi công sau khi hoàn thành phần thô.

Tại cuộc họp, các Sở: Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Cục thuế tỉnh… nêu lên một số kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với từng nhóm dự án của nhà đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh như điều chỉnh gia hạn tiến độ dự án; có giải pháp thu hồi công nợ trong năm 2022; tiến hành ký cam kết tiến độ với nhà đầu tư để đốc thúc, yêu cầu triển khai thực hiện và thời gian hoàn thành dự án; tổng hợp danh sách, tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất, quyết định chủ trương theo đúng quy định.

Ông Đoàn Ngọc Lâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình sau đó đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án đã thuê đất nhưng không triển khai xây dựng, chậm tiến độ hoặc nợ tiền thuê đất; thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không triển khai công việc; triển khai quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các khu đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa là vi phạm quy định của Luật này. Sở Tài nguyên Môi trường buộc các chủ đầu tư phải gia hạn tiến độ sử dụng đất trong 24 tháng để tiếp tục triển khai dự án và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ này.

Nhiều cử tri, nhân dân cũng ở Quảng Bình cùng băn khoăn vấn đề 173 dự án này vi phạm quá thời gian 24 tháng, tuy nhiên vì sao không được thu hồi sớm hay đang “núp bóng” chờ thời, để hưởng lợi?

    Họ Tên (*)

    Email (*)

    Số điện thoại (*)

    Sản phẩm quan tâm (*)

    Ý kiến khác(có thể để trống)

    WP2Social Auto Publish Powered By : XYZScripts.com
    Contact Me on Zalo
    0901 339 335