Phát triển các khu đô thị: Cần tạo lập môi trường sống bền vững

Thời gian qua, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều khu đô thị mới đã hình thành, giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển các khu đô thị vẫn tồn tại bất cập bởi mới chỉ tập trung vào nhà ở để bán, chưa phát triển đồng bộ hạ tầng, nên chất lượng đô thị chưa cao… Việc tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho cư dân đang là yêu cầu đặt ra trong công tác phát triển các khu đô thị mới.

  •  Phát triển các khu đô thị: Cần tạo lập môi trường sống bền vững
    Khu đô thị Ecopark là một trong những hình mẫu khu đô thị sinh thái đang được nhiều người dân lựa chọn.


    Phát triển chưa đồng bộ

    Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng phát triển đô thị đã đạt được một số kết quả, thúc đẩy sự phát triển hệ thống đô thị của cả nước. Tính đến đầu năm 2019, cả nước có 828 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng bình quân hơn 1%/năm.

    TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Công tác phát triển đô thị, chủ yếu là các khu đô thị mới được triển khai từ những năm 1990. Đến nay, đã có hàng loạt khu đô thị mới hiện đại, văn minh ra đời. Tuy nhiên, chỉ có một số khu đô thị bảo đảm đồng bộ hạ tầng, còn lại khá nhiều khu chủ đầu tư chỉ tập trung vào xây nhà ở để bán”.

    Về góc độ quy hoạch, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hiện là Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ: “Khu đô thị bắt buộc phải quy hoạch đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, do khâu quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch chưa tốt, cùng với thiếu nguồn lực nên xảy ra tình trạng các khu đô thị không đi kèm với phát triển hạ tầng; xung đột bất cập giữa các đô thị mới và khu đô thị cũ; nhiều trường hợp quy hoạch bị bóp méo…”.

    Tại Hà Nội, kết quả giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND thành phố từ năm 2016 đến hết tháng 3-2019 cho thấy, trên địa bàn có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà tái định cư có quyết định chủ trương đầu tư xây dựng.

    Trong số này, nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở.

    Nguyên nhân là chủ đầu tư chỉ lo xây nhà để bán, mà chưa có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng xã hội. Điển hình như tại Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai), quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, song đến nay mới chỉ có một công trình trường tiểu học hoàn thành. Chính sự chậm trễ này mà năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt) đã phải cho học sinh học luân phiên 4 ngày/ tuần, học cả thứ bảy do học sinh quá đông…

    Chia sẻ về vấn đề này, ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Việt Nam cho rằng, nhược điểm lớn nhất của đô thị Việt Nam là chất lượng không cao. Điều này thể hiện qua các thông số: Khả năng tạo việc làm thấp, mất cân đối giữa dân số và hạ tầng.

    Nhiều khu đô thị mới hình thành chỉ là đáp án tức thời cho bài toán tăng quỹ nhà ở, chưa tạo được một môi trường sống thực sự theo đúng nghĩa. Vì thế, nhiều đô thị đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn…

    Chú trọng giá trị bền vững

    Trước thực trạng chậm thực hiện các hạng mục hạ tầng xã hội, thậm chí là cắt xén, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, theo ông Lưu Đức Hải, chính quyền địa phương phải đưa ra giải pháp buộc nhà đầu tư xây dựng thêm các hạng mục tiện ích, không gian công cộng cho cư dân. Trường hợp nhà đầu tư hoàn thành dự án và rời đi rồi, thì địa phương phải tự bố trí kinh phí để đầu tư nhà trẻ, bệnh viện, công viên…

    Về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý, giám sát nghiêm việc thực hiện đúng quy hoạch của dự án. Trong trường hợp bắt buộc điều chỉnh, chủ đầu tư phải bảo đảm quy hoạch đó có lợi cho người dân trong khu đô thị, có lợi cho sự phát triển chung của dự án, cộng đồng dân cư.

    Nhìn lại các khu đô thị đã hình thành trong thời gian qua, ông Đỗ Viết Chiến cho biết, ông ấn tượng với Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) và cho rằng đây chính là hình mẫu mà các khu đô thị mới cần hướng tới.

    “Đó là khu đô thị sinh thái, phát triển theo triết lý xanh, chú trọng đến giá trị bền vững, giá trị con người nhiều hơn. Theo đó, khu đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu ở, mà còn quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe của cư dân”.

    Ngoài ra, bên cạnh yếu tố xanh, yếu tố thông minh cũng là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu cần thiết của con người trong cuộc sống hiện đại.

    Như vậy, xu hướng tất yếu mà các khu đô thị cần hướng đến trong tương lai chính là đô thị sinh thái. Theo đó, trong quy hoạch sử dụng đất đô thị, để bảo đảm hài hòa giữa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì không gian xanh và mặt nước là những tiêu chí đầu tiên để hình thành đô thị sinh thái. Điều đó sẽ tạo ra nhiều không gian xanh, chất lượng môi trường xanh, hài hòa các sinh thái đô thị (sinh thái nhân tạo) và hệ sinh thái tự nhiên, đem đến môi trường sống tốt, bảo đảm sức khỏe cho người dân.

    “Phát triển bền vững, mang lại chất lượng chứ không chạy theo số lượng” – đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land về việc phát triển các dự án khu đô thị. Theo bà Hương, ngôi nhà giờ đây không chỉ là nơi để ở, mà còn phải đầu tư đồng bộ để tạo ra môi trường sống lý tưởng cho người dân.

    Dạ Khánh/Hanoimoi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.