(Xây dựng) – Sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất theo đúng trình tự, thủ tục mà người dân không bàn giao đất sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Ảnh minh họa (nguồn: TL). |
Không bàn giao đất cho Nhà nước sẽ bị cưỡng chế thu hồi
Theo quy định tại Điều 61, Luật Đất đai 2013 về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và Điều 62, Luật Đất đai 2013 về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nhà nước có quyền thu hồi lại đất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Nếu sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất theo đúng trình tự, thủ tục mà người dân không bàn giao đất sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Theo Điểm d, Khoản 3, Điều 69, Luật Đất đai 2013: “Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này”.
Người dân không có quyền thỏa thuận giá bồi thường
Nhà nước quyết định giá bồi thường về đất theo giá đất cụ thể. Tiêu chí để đưa ra giá đất bồi thường dựa vào: Cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường, giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai và áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.
Theo quy định tại Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Vì thế, người dân không có quyền thỏa thuận giá đất bồi thường.
Trường hợp không được nhận tiền đền bù đất
Điều 82, Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường như sau:
Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.
Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối…