Chuyên gia giải mã những cơn sốt đất đang lan rộng; có hiện tượng “thổi giá, tạo thị trường giả” trong vụ hàng trăm người “chốt” đất… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Chuyên gia giải mã những cơn sốt đất đang lan rộng
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở của CBRE Việt Nam – cho biết, giá bất động sản, đặc biệt giá đất nền tiếp tục tăng ở nhiều khu vực. Theo quan sát của ông, tình trạng này xuất hiện và bắt đầu lan rộng hơn rất nhiều.
Một nguyên nhân quan trọng khác được ông Kiệt đề cập tới đó là tình hình lạm phát tăng, nhà đầu tư tăng nhu cầu tìm kiếm kênh giữ tài sản. Bất động sản là kênh đầu tiên được nhiều người nghĩ đến. Đất nền lại có ưu điểm vì thanh khoản tốt mà giá trị đầu tư không cao.
Theo ông, sốt đất chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Tâm lý của nhà đầu tư muốn đón đầu thị trường, muốn tập trung vào những khu vực được dự báo phát triển tốt, có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo, nhiều khu vực mà nhà đầu tư nghĩ là “tiềm năng” lại chỉ từ thông tin bên lề. Sau đó, họ bị lôi kéo vào những khu vực sốt đất ảo. Hệ quả là rất nhiều nhà đầu tư vướng vào tình trạng mua “đỉnh”, thị trường đóng băng không thanh khoản được.
Giá đất ở nhiều nơi tăng cao. Một khu đất đấu giá lúa mọc xanh rì vẫn được “hét” giá cao ngất ngưởng (Ảnh: Xuân Sinh). |
Vụ hàng trăm người “chốt” đất: Có hiện tượng “thổi giá, tạo thị trường giả”
Công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thông tin, bước đầu xác minh vụ hàng trăm người tụ tập “chốt” đất gây xôn xao mạng xã hội cho thấy có hiện tượng “thổi giá, nghi tạo thị trường giả”.
Lãnh đạo xã Triệu Ái khẳng định, theo hồ sơ đến nay thu thập được thì 3 lô đất thuộc sở hữu của những người nêu trên, còn thực tế chưa rõ họ đã chuyển nhượng cho người khác hay chưa. Chính quyền xã đang phối hợp cơ quan chức năng tiếp tục xác minh.
Trước đó, ngày 11/3, UBND huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã có buổi họp khẩn với UBND xã Triệu Ái và các đơn vị liên quan để chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô bán nền tại địa bàn xã Triệu Ái. UBND huyện Triệu Phong đã chỉ đạo công an cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng kiểm tra, xác minh vụ việc, nếu phát hiện có sai phạm về quản lý đất đai thì xử lý nghiêm.
Cơ quan chức năng bước đầu xác định được 5 người là chủ sở hữu của 3 thửa đất và đang điều tra, xác minh cụ thể các thửa đất đã được chuyển nhượng cho những ai (Ảnh cắt từ clip). |
Nhiều ông lớn bất động sản vẫn “bán giấy lấy tiền” với lãi suất chót vót
Theo SSI, nhóm trái phiếu bất động sản có lãi suất duy trì ở mức cao trong cả 3 năm gần đây (10,3-10,6%) , trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm thấp thì mức giảm của trái phiếu bất động sản vẫn nhỏ nhất.
Theo đơn vị này, có một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất cao nhất thị trường (12-13%/năm) như Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Hoàng Phú Vương, Công ty CP Osaka Garden, Công ty CP Galactic Group, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Unity…
Chuyên gia công ty chứng khoán trên cho biết, nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản ngày càng tăng do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn.
Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành tăng từ 141 doanh nghiệp năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021. Do vậy, để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác.
Lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cao (Ảnh: Mạnh Quân) |
Choáng váng lô đất 170 m2 ở nông thôn có mức trúng đấu giá hơn 6 tỷ đồng
Ngày 24/3, ông Bạch Hưng Hậu – Phó Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An – cho biết, đơn vị vừa tổ chức đấu giá thành công 59 thửa đất thuộc khu quy hoạch Ruộng Bông – Trọt Hồ (xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An).
Khu quy hoạch mới Ruộng Bông – Trọt Hồ, thuộc xã Lưu Sơn có tổng diện tích 10.263,85 m2, trong đó các lô đất có diện tích từ 145,94 m2 đến 204,95 m2. Lô đất có giá khởi điểm thấp nhất là 1,76 tỷ đồng, lô có giá khởi điểm cao nhất là 3,091 tỷ đồng, tương đương từ 8 đến 20 triệu đồng/m2. Người tham gia đấu giá phải đặt cọc 246 – 630 triệu đồng, tùy vị trí và diện tích của từng lô đất.
Kết quả, 420 lượt khách hàng tham gia đấu giá. 59 lô đất được đấu giá thành công với số tiền vượt giá khởi điểm là hơn 61%. Lô đất có giá thấp nhất được bán 2,048 tỷ đồng, với diện tích 154 m2.
Lô đất có diện tích 170,5 m2 được đấu giá thành công với số tiền 6,188 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 3,41 tỷ đồng. Mức giá kỷ lục này thuộc về một nhà đầu tư ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Người đàn ông này cũng đấu giá trúng 16/59 lô đất được đưa ra đấu giá lần này, trong đó thửa thấp nhất là 3,1 tỷ đồng, các thửa còn lại có giá 5,5-5,7 tỷ đồng và một lô đất giá 6,158 tỷ đồng. Riêng số tiền cọc mà nhà đầu tư này phải nộp là trên 9,3 tỷ đồng.
Giá đất bị “thổi” chóng mặt sau tin khảo sát xây cầu nối với sân bay
3 ngày sau tin về quy hoạch, hướng tuyến một số tuyến giao thông trọng điểm tại tỉnh Bình Phước như cầu Mã Đà (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú); tuyến giao thông kết nối Bình Phước – Đồng Nai; nối tuyến giao thông huyết mạch Bình Phước với các tuyến giao thông quan trọng trong vùng; kết nối tới Cảng biển Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đang được khảo sát, giá đất trên tuyến đường ĐT753 (gần khu vực cầu Mã Đà) đang “nóng” lên.
Theo khảo sát của phóng viên, những ngày qua, hàng trăm người dân từ nhiều nơi đang đổ về đây “săn đất”. Dọc hai bên đường, đội quân “cò đất” tập trung đông.
Các nhóm “cò” đi săn đất nông nghiệp rồi mời gọi nhà đầu tư mua, kèm hứa hẹn sẽ tách được thửa, lên thổ cư, khiến giá đất ở khu vực tăng lên mỗi ngày.
Ô tô nườm nượp đổ về “săn” đất dọc tuyến đường ĐT753, xung quanh khu vực đề xuất xây cầu Mã Đà (Ảnh: A.X). |
Theo người dân địa phương, chỉ trong 3 ngày qua (20/3 đến nay), do có nhiều người đến hỏi mua nên giá đất khu vực đã tăng 20-30%, có nơi tăng đến 50%. Những khu đất nằm mặt tiền đường ĐT753 được chào bán với giá dao động 200-300 triệu mỗi mét ngang, tùy vào vị trí.