(Xây dựng) – Theo thống kê, tính đến hết năm 2021 cả nước hoàn thành 266 dự án bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Nếu “nút thắt” trong công tác triển khai loại hình nhà ở này sớm được gỡ bỏ, con số trên sẽ cao hơn rất nhiều.
Toạ đàm “Gỡ nút thắt phát triển Nhà ở xã hội, nhà ở công nghiệp” do Bộ Xây dựng và Đài Truyền hình VTC tổ chức sáng ngày 19/4 tại Hà Nội và đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh. |
Mới đây, Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được đưa ra, ngay lập tức thị trường bất động sản cũng nhận được cú huých lớn từ chính sách này trong đó những khó khăn trong công tác phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân các khu đô thị cũng được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết.
Tại Toạ đàm “Gỡ nút thắt phát triển Nhà ở xã hội, nhà ở công nghiệp” do Bộ Xây dựng và Đài Truyền hình VTC tổ chức sáng 19/4, các chuyên gia chỉ ra rằng: “Thủ tục lâu năm, lợi nhuận thấp, Nhà nước không hỗ trợ doanh nghiệp sẽ không làm”.
Nhận diện “nút thắt” khi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Sớm nhận diện được nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã tiến hành trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển quản lý nhà ở xã hội và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của địa phương. Một trong các vướng mắc đầu tiên khi phát triển loại hình này phải kể đến khó khăn về nguồn vốn. Trên thực tế, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ cho vay phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại từ 2013-2016 đã hoàn thành việc giải ngân gần 100%. Chính vì thế, sang đến giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn này không còn, trong khi đó Ngân hàng chính sách xã hội chỉ được phân bổ 27% ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội, còn các ngân hàng thương mại lại không được phân bổ gói vốn này, dẫn đến công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gặp nhiều trở ngại về dòng tiền.
Theo ông Luyện Văn Phương – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính Phủ ngay khi được ban hành đã nhanh chóng tạo động lực cho thị trường. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những giải pháp. Bởi trên thực tế, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn còn hạn chế. Mặc dù đã có quy định là 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại được dành để phát triển nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này là 25%, song hầu như không đạt được yêu cầu.
Một Dự án dành cho công nhân lao động tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội). |
Cũng đề cập đến “nút thắt” phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, ông Lễ Hữu Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành bày tỏ, thông thường, kể từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến khi kết thúc mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện và trải qua quy trình 5 bước. Thế nhưng lợi nhuận định mức của nhà ở xã hội tối đa theo quy định là 10%, mức lợi nhuận này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm, đây là lý do nhiều doanh nghiệp “ngại” phát triển nhà ở xã hội.
“Chủ đầu tư khi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, điều quan tâm nhất đó là chính sách pháp lý, ưu đãi của của Nhà nước để giảm thuế, giảm giá thành cho doanh nghiệp khi triển khai dự án, đồng thời chúng tôi cũng quan tâm đến nguồn cầu của công nhân, người lao động, và quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội của nhóm đối tượng này có gì khó khăn hay không, từ đó tính toán về thời gian hoàn vốn khi phát triển nhà ở xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đi tìm giải pháp cho doanh nghiệp khi phát triển nhà ở xã hội
Công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên thực tế còn nhiều khó khăn. Để Nghị quyết 11/NĐ-CP có thể đi vào cuộc sống của người dân, theo ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cần phải tháo gỡ hai vấn đề chính:
Một là, phải sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ luật nhà ở, luật thuế, luật kinh doanh. Đơn cử như hiện tại, Luật Nhà ở cho phép nhà ở khai thác cho thuê có thuế thấp hơn so với nhà ở kinh doanh, thế nhưng, trong Luật thuế lại không đề cập đến nội dung này, dẫn đến bất cập trong việc áp dụng chính sách thuế cho các dự án nhà ở xã hội. Cùng với đó trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương. Cụ thể xác định các khu đất có ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần, hay xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Hai là, đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại, để tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội.
Cũng liên quan đến giải pháp tháo gỡ nút thắt chính sách cho doanh nghiệp khi phát triển nhà ở xã hội, ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian qua, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành tham mưu cho Bộ Xây dựng cũng như các bộ ngành liên quan đưa ra 8 giải pháp để phát triển nhà ở xã hội. Đầu tiên phải kể đến việc triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP về việc phục hồi kinh tế, hỗ trợ nguồn vốn vay, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội. Cùng với đó, các hoạt động cải cách, rút ngắn thủ tục cũng được triển khai, nhiều tổ công tác tháo gỡ khó khăn của dự án nhà ở xã hội được thành lập, đi sâu giải quyết cụ thể từng vấn đề.
Công tác rà soát, bổ sung quỹ đất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cũng được tập trung đẩy mạnh. Cùng với đó, hoạt động rà soát lại các dự án trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai nghiêm túc. Với 34 dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng 20% quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội thì thành phố sẽ có thêm nguồn cung khoảng trên 70 ngàn căn hộ, bài toán nguồn cung sẽ sớm được giải quyết. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục xem xét quỹ đất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để xây dựng nhà ở cho công nhân thuê từ 3-5 năm nhằm giải quyết nguồn cầu cho nhóm đối tượng chưa xác định ở lâu dài.
Câu chuyện về nguồn vốn ngân sách để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng được đề cập. The ông Quân, nguồn vốn này cần được phân bổ một cách hợp lý hơn, kích cầu nguồn vốn vay của thành phố và gia tăng nguồn vốn xây dựng hạ tầng tại các dự án nhà ở xã hội đã xây dựng xong, nhằm thu hút sự quan tâm của người dân.