(Xây dựng) – Thị trường bất động sản thời gian qua biến động khá nhanh, sau đại dịch Covid-19, lượng giao dịch tăng mạnh, tuy nhiên còn cho thấy những nguy cơ về “bong bóng”. Bộ Xây dựng và các nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển ổn định thị trường.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Năm 2021, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Sang đầu năm 2022, tình hình kinh tế – xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đang được triển khai đồng bộ giúp cho hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm của Chính phủ cũng như các Bộ ngành đối với việc phát triển ổn định thị trường bất động sản.
Trong quý I/2022, thị trường cho thấy những dấu hiệu phục hồi với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn quý trước và cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao, hầu như không phát sinh lượng bất động sản tồn kho mới; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần… thị trường bất động sản đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng.
Cũng trong quý I/2022, mặc dù nguồn cung dự án nhà ở suy giảm, kinh tế có nhiều khó khăn nhưng tổng lượng giao dịch bất động sản vẫn tăng, tập trung vào phân khúc đất nền, nhà ở, đất ở…
Tại các địa phương, giá bất động sản tăng cao ở nhiều phân khúc. Theo đánh giá, nguyên nhân tăng giá bất động sản là do có sự chênh lệch về cung và cầu, nguồn cung bất động sản trong khi nhu cầu đầu tư, mua để sử dụng của người dân vẫn cao; do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay khi thực hiện dự án tăng lên; do dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực khác dồn vào trú ẩn trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, số liệu thống kê, báo cáo của các địa phương có thể còn chưa sát và thấp hơn so với giá giao dịch thực. Trong thực tế còn có hiện tượng “hai giá”, kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản. Đây cũng sẽ là cơ hội để các đối tượng cò đất trục lợi và đẩy giá “bong bóng” bất động sản lên cao.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử xây dựng về nguy cơ “bong bóng” bất động sản, ông Đỗ Thăng Long – Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn VHS phân tích: “Nguy cơ bong bóng tái bùng nổ là có, tuy nhiên sẽ ở thời điểm trong tương lai. Việc xảy ra “bong bóng” bất động sản có thể diễn ra cục bộ ở một số tỉnh với hình thức phân lô bán nền ở xa trung tâm hành chính tỉnh. Như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dự án bất động sản đầy đủ pháp lý, giá bất động sản đang dần tiếp cận với giá trị thực của khu vực sau khi hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi xã hội được triển khai đồng bộ”.
Ông Đỗ Thăng Long cũng cho rằng, hiện tại tình hình thị trường bất động sản rất khác so với thời điểm “bong bóng” năm 2008 – 2010, khác ở sự phát triển của thị trường được thể hiện ở chất lượng sản phẩm, số lượng nhà đầu tư, kinh nghiệm của các chủ đầu tư, tất cả những yếu tố này giúp cho bất động sản trên thị trường có giá trị thực cao. Như giai đoạn 10 năm về trước chúng ta chỉ thấy giao dịch trên giấy, ngoài ra, những yếu tố nền tảng vĩ vô như lãi suất, lạm phát ở giai đoạn này đều ở ngưỡng thấp đó là điều khác biệt lớn so với 10 năm trước. Do vậy lạm phát và lãi suất ở ngưỡng rất cao thì nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Về giải pháp, ông Đỗ Thăng Long cho rằng, để bất động sản là ngành mũi nhọn trong việc tăng trưởng kinh tế và phát triển lành mạnh, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ việc phân lô, tách thửa với mọi loại hình, diện tích. Đồng thời, tạo hành lang tín dụng cho người mua nhà ở tại các dự án hiện hữu, xây dựng tiến độ đạt chuẩn.
“Chính phủ và các đơn vị liên quan xây dựng bảng xếp hạng tín nhiệm của các chủ đầu tư uy tín căn cứ theo thâm niên, quy mô dự án, quá trình triển khai dự án hoàn toàn đúng và sớm tiến độ để làm căn cứ xét duyệt các hồ sơ dự án của các chủ đầu tư trong tương lai, cũng như tạo điều kiện về ưu đãi tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản có uy tín”, ông Đỗ Thăng Long cho hay.
Vừa qua, để phát triển ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 48/BC-BXD, trong đó đề cao các giải pháp phát triển lành mạnh thị trường.
Theo đó, Bộ Xây dựng thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến của thị trường bất động sản, hàng quý có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản trên phạm vi cả nước và kiến nghị giải pháp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được Bộ đặc biệt quan tâm. Theo đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra để bám sát việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản; phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản.