(Xây dựng) – Không gian sống nhiều cây xanh, mặt nước, gần gũi thiên nhiên đang trở thành tiêu chí để khách hàng lựa chọn “nơi ăn chốn ở”. Dưới đây là quan điểm GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề trên.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
PV: Xin hỏi, ông có đánh giá như thế nào về không gian sống xanh ở các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay?
GS. Đặng Hùng Võ: Triết lý phát triển xanh được đưa vào Việt Nam khoảng hai chục năm nay, rất nhiều ý kiến ủng hộ, hô hào về triết lý sống xanh, nhất là các khu đô thị xanh. Nhưng trên thực tế, chúng ta thấy chỉ có một số nơi thực hiện được, nổi tiếng là Phú Mỹ Hưng trong Thành phố Hồ Chí Minh hay giáp Hà Nội có Ecopark, coi như là đại diện cho sống xanh ở Hà Nội hoặc như Forest in the Sky tại Vĩnh Phúc cũng là một ví dụ.
Tôi rất cổ vũ những nơi, những khu đô thị hay khu nhà ở mà tuân thủ được tiêu chí sống xanh, lúc đó điều kiện phát triển sẽ tốt bởi ở đó luôn luôn gắn với vấn đề môi trường, tốt cho sức khỏe của cư dân; mặt khác còn là tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải… Tại những nơi này, chắc chắn giá sẽ đắt thêm khoảng 20%, thậm chí có thể là 50% tùy theo yếu tố “xanh” đạt được. Dù có thế đi nữa thì cũng vẫn là đúng hướng vì giá trả cao hơn hiện tại để đổi lấy lợi ích lâu dài.
Còn nếu chúng ta ham dự án rẻ hơn nhưng không đảm bảo được không gian sống xanh thì sẽ gây tổn thất lâu dài, rồi đến một lúc nhất định, bản thân con người sẽ cảm thấy chán ngán với nơi mình đang ở vì tại đó không tạo được điều kiện chất lượng cao về môi trường.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dư địa để phát triển dự án xanh là lớn bởi thửa đất rộng và nhiều, thậm chí ngay tại Quận 1 và Quận 3 vẫn còn rất nhiều thửa đất rộng. Ở Hà Nội, tôi cho rằng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến sống xanh nhưng thực hiện được có lẽ cũng không nhiều, đặc biệt là khu vực nội đô, tức là các quận nội thành cũ bởi hoàn cảnh quỹ đất đai vừa manh mún, vừa cạn kiệt. Nếu có thì thực sự chúng ta nên nhìn thấy lợi ích dài hạn mà tranh thủ tìm kiếm nơi mà ta có thể xây dựng được cuộc sống xanh với các tiện nghi mà chủ đầu tư dự án cung cấp, rồi bổ sung thêm vào không gian căn hộ những tiêu chí sống xanh cho riêng mình.
PV: Theo ông, dự án trong nội đô như thế nào thì cơ bản được coi là sống xanh?
GS. Đặng Hùng Võ: Trên thế giới, người ta đã đưa ra nhiều tiêu chí như tận dụng khí và gió trời, tổ chức tốt không gian sử dụng đất, tổ chức hiệu quả nguồn nước sạch và nước thải, ít sử dụng điện công nghiệp, không gian cây xanh lớn; còn ở Việt Nam thì Bộ Xây dựng đã bàn đến các tiêu chí cụ thể cho các khu đô thị xanh cũng dựa vào các thông lệ tốt quốc tế và tính phù hợp với hoàn cảnh từng địa phương.
Tất nhiên, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là phải có nhiều diện tích để trồng cây xanh, không gian sống gần mặt nước, giao thông cũng phải “xanh” – nghĩa là đi lại thuận tiện, không ùn tắc. Không khí cũng phải đảm bảo trong lành, sạch sẽ. Ngoài ra, một trong những điều kiện quan trọng là phải có mật độ xây dựng thấp để nhường chỗ cho thiên nhiên. Việc sử dụng đất vào các mục đích cây xanh và mặt nước nhiều, tiếp xúc giữa cư dân đô thị với tiện ích công cộng cũng là thuận lợi, không chịu ảnh hưởng của sự quá tấp nập, vội vã và sự “nóng nảy” của đô thị. Đặc biệt, cuộc sống ở đó phải yên tĩnh, tiện nghi, đầy đủ. Việc tận dụng được khí trời, năng lượng bên ngoài và sử dụng rất ít năng lượng công nghiệp cũng là 1 yếu tố cần quan tâm.
Đó là tất cả những điều mà người ta hay quy về tiêu chí của một cuộc sống xanh tại đô thị.
PV: Ông đánh giá thế nào về mật độ xây dựng của các dự án trong nội đô hiện nay? Mật độ bao nhiêu thì được cho là thấp?
GS. Đặng Hùng Võ: Chúng ta biết được nhiều chung cư hiện nay giá có thể rẻ nhưng lại có mật độ xây dựng mà tôi cho rằng, cả cuộc sống hiện tại và tương lai đều không chấp nhận được. Ví dụ như ở khu phía ngoài bán đảo Linh Đàm hay cuối đường Nguyễn Xiển, hay gần đây nhất là Thanh tra Bộ Xây dựng đã có Kết luận Thanh tra về rừng chung cư “chật cứng” tại đường Tố Hữu cắt đường Lê Văn Lương kéo dài, ai vào cũng cảm nhận được sự mệt mỏi của chật hẹp và không còn cảm giác “xanh” ở đâu. Thậm chí nhiều nơi trong các ngõ nhỏ nhưng không chỉ có một mà rất nhiều dự án được phê duyệt mọc lên san sát nhau, khiến cho mật độ xây dựng rất cao. Đó cũng là ngữ cảnh tạo nên các khu chung cư quá chật hẹp, ở đó chỉ tính đến việc người dân vào đây ở, có cái giường để đặt lưng.
Sống xanh đang là xu thế của thời đại. |
Khi cuộc sống khá hơn, người ta quan tâm tới điều kiện sống phía bên ngoài nhà ở của mình. Trên thế giới, khái niệm nơi ở đã thay thế khái niệm nhà ở để nói rằng con người không chỉ cần tới căn nhà để che mưa, che nắng mà còn cần tới không gian ở có ý nghĩa cho cuộc sống. Không sớm thì muộn, những nơi không thỏa mãn các tiêu chí “xanh” cũng phải nâng cấp để thay đổi sao cho “xanh” hơn, vì cuộc sống không cho phép các khu chung cư chật hẹp như vậy tồn tại.
Hiện nay, chúng ta đang tìm các dự án ở Hà Nội có mật độ xây dựng thấp quả thực là khó, ngay với mật độ khoảng 50% của một khu vực cũng khó, với mật độ 50% tại riêng một dự án lại càng khó. Đất đai ở Hà Nội quá manh mún, dân cư ngày càng đông do tăng dân số cơ học là một lý do, nhưng lý do chính yếu hơn là các nhà đầu tư muốn lợi nhuận nhiều bằng cách xin rút rất nhiều hạng mục hạ tầng và tăng thêm diện tích nhà ở để bán. Nhà ở tăng nhiều hơn đáng kể, không gian “xanh” giảm đi trông thấy qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch và dự án. Các cấp có thẩm quyền chắc cũng biết điều chỉnh là sai nhưng vẫn làm vì lợi ích trước mắt. Vậy là tỷ lệ nhà ở 50% của dự án là hầu như ít thấy, nếu có thì cũng như một giấc mơ.
Tôi cũng nghe nhiều người nói rằng, ở khu vực thuộc quận Hai Bà Trưng cũ, nay là quận Hoàng Mai đang có Dự án Feliz Homes đảm bảo được khá đầy đủ các tiêu chí của một khu đô thị nhỏ mang đậm chất xanh, từ mật độ xây dựng nhà ở thấp – tầm hơn 20%, còn lại là diện tích cho cây xanh, hồ nước, tiện ích và hạ tầng giao thông. Quả thật có tồn tại dự án như vậy thì quả là rất quý và hiếm, gần như không có ở trong nội đô. Ta có thể khảo cứu tận nơi xem thực trạng và tự mình nhận định cụ thể tương lai “xanh” ở đấy sẽ như thế nào trong hoàn cảnh đất đai ở nội đô Hà Nội.