(Xây dựng) – Tỉnh Quảng Bình hiện có 173 dự án giao đất, cho thuê đất đã đầu tư chậm tiến độ quá 24 tháng trên tổng số 761 dự án kể từ khi Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/7/2014, cần được xem xét lại chủ trương, chế tài xử lý vi phạm, trách nhiệm của các địa phương liên quan.
Dự án khu nghỉ dưỡng ven biển Thanh Hà – Đá Nhảy suất đầu tư 230 tỷ đồng, cửa đóng then cài sau hơn 8 năm chậm triển khai. |
Tại cuộc họp về các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2022, ông Đoàn Ngọc Lâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo rõ về việc kiểm tra các dự án chậm triển khai và khu đất chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 761 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó khoảng 173 dự án chậm tiến độ nhiều năm (chiếm tỷ lệ 22,7%), cụ thể: 103 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 68 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất và 02 dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị.
Nguyên nhân là do công tác chuẩn bị đầu tư mất rất nhiều thời gian, việc các tổ chức kinh tế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư gây khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng; sự cố môi trường biển năm 2016 và đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay đã làm ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của nhà đầu tư. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một số nhà đầu tư cố tình giữ đất, không triển khai thực hiện dự án để chờ cơ hội chuyển nhượng dự án. Quy định của pháp luật về điều kiện thu hồi đất của nhà đầu tư do chậm tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng bất cập, dẫn đến chậm trễ kéo dài nhưng không thể thu hồi đất.
Tiếp đến là thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc thu hồi đất, các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng vi phạm pháp luật đất đai. Phần diện tích đất đã thu hồi phải được đưa ngay vào sử dụng đúng quy định. Quan trọng hơn cả là lựa chọn được nhà đầu tư bảo đảm năng lực tài chính và khả năng triển khai cũng như quyết tâm thực hiện dự án.
Dự án Khách sạn 5 sao Pullman của Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội – Quảng Bình dừng thi công sau khi hoàn thành phần thô. |
Tại cuộc họp, các Sở: Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Cục thuế tỉnh… nêu lên một số kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với từng nhóm dự án của nhà đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh như điều chỉnh gia hạn tiến độ dự án; có giải pháp thu hồi công nợ trong năm 2022; tiến hành ký cam kết tiến độ với nhà đầu tư để đốc thúc, yêu cầu triển khai thực hiện và thời gian hoàn thành dự án; tổng hợp danh sách, tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất, quyết định chủ trương theo đúng quy định.
Ông Đoàn Ngọc Lâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình sau đó đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án đã thuê đất nhưng không triển khai xây dựng, chậm tiến độ hoặc nợ tiền thuê đất; thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không triển khai công việc; triển khai quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các khu đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa là vi phạm quy định của Luật này. Sở Tài nguyên Môi trường buộc các chủ đầu tư phải gia hạn tiến độ sử dụng đất trong 24 tháng để tiếp tục triển khai dự án và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ này.
Nhiều cử tri, nhân dân cũng ở Quảng Bình cùng băn khoăn vấn đề 173 dự án này vi phạm quá thời gian 24 tháng, tuy nhiên vì sao không được thu hồi sớm hay đang “núp bóng” chờ thời, để hưởng lợi?